Tự Do Ngôn Luận Và Đồng Tiền
Thoáng đọc qua, cái tựa bài viết coi bộ
không ổn lắm. Tự do ngôn luận có quan hệ gì đến chuyện tiền bạc? Tự do ngôn luận
đâu phải là món hàng có thể mua hay bán đâu mà lại liên hệ nó đến tiền bạc, giá
cả?
Sự thật là vấn đề phức tạp hơn cách suy
nghĩ đơn giản này nhiều. Muốn có tiếng nói, phải có tiền, không có tiền, mất tiếng
nói.
Quý vị muốn có bằng chứng?
Tuần báo chính trị cấp tiến lớn nhất thế
giới, TIME, bị khó khăn tài chánh lớn. Vừa mất độc giả, vừa mất quảng cáo, mất
cả tài trợ của các đại gia. Quay qua quay lại, tam thập lục chước, chỉ còn một
chước là phải bán. Rao bán và có một nhóm tài phiệt mua 2,8 tỷ đô ngay. Một con số kỷ lục chưa từng thấy. Nghĩa là gì? Đó là
cái giá mà các ông chủ mới chấp nhận trả để có tiếng nói.
Cái trớ trêu là
trong nhóm người mua TIME, có hai anh em tỷ phú Koch, là những đại tài phiệt bảo
thủ, đã từng chi bạc triệu để yểm trợ các ứng viên bảo thủ của đảng CH ở nhiều
cấp.
Câu chuyện này cho
thấy rõ trong cái xứ thành đồng của tư bản chủ nghĩa này, mọi chuyện đều do đồng tiền quyết định,
không tiền là... ngáp, đóng cửa tiệm. Mà trong ngành truyền thông, đóng cửa tiệm
là mất tiếng nói. Muốn có tiếng nói thì phải chịu chi.
Người ta có thể
chê trách các ông chủ của TIME hiện nay là ‘lương tâm không bằng lương tiền’, sẵn
sàng vì đồng tiền mà phản lại các độc giả cấp tiến của TIME từ hồi nào đến giờ,
trao trứng cho ác, bán TIME cho những tài phiệt bảo thủ nặng. Nhưng nói đi thì cũng
phải nói lại, không bán thì chẳng lẽ mấy ông chủ hiện hữu ngồi chờ khai phá sản
sao?
Mà chẳng phải chỉ
có TIME không đâu. Mấy báo lớn của Mỹ như Newsweek và Washington Post,… đã ra đời
từ cả trăm năm nay, cũng đột nhiên gặp khủng hoảng tài chánh hết. Newsweek được
bán năm 2010 với giá một đô ($1) cho một tài phiệt để ông này lãnh hết nợ nần.
Washington Post năm 2013 được bán cho tỷ phú Jeff Bezos, ông chủ của Amazon. Dĩ
nhiên, cả ngàn tờ báo địa phương, lớn nhỏ cũng đều gặp vấn đề, tuy nặng nhẹ
khác nhau. Tại sao lại có hiện tượng này?
Nguyên do từ đâu ra?
Có hai yếu tố quan trọng nhất, dĩ nhiên
không kể những yếu tố cục bộ như quản trị dở, giá trị bài viết yếu kém,…
Yếu tố thứ nhất, các loại báo in đều
coi như hết thời rồi. Bị cạnh tranh quá mạnh của đủ loại phương tiện gọi là
“truyền thông xã hội” qua mạng internet. Hồi trước muốn biết tin, phải đi kiếm
báo in để đọc. Sau đó, văn minh hơn, có thể ngồi nhà, coi tin tức trên TV hấp dẫn hơn vì có hình ảnh sống động, báo in bắt đầu mất khách. Bây giờ thì
không ai có đủ thời giờ đọc hàng triệu loại tin được phổ biến qua các trang mạng,
emails, facebook, blog,... Chẳng những có thể đọc miễn phí hết, mà lại có dịp
lên tiếng phát biểu cảm nghĩ nữa, có dịp đóng góp ý kiến, khen chê ‘thoải mái’!
Chẳng còn lý do gì đi mua tờ báo về đọc,
mất công cất chật nhà, nuôi gián mối, lại tốn tiền nữa. Chỉ còn lại lác đác vài
cụ già không có computer, hay có mà chưa rành xử dụng, hay không thích đọc chữ
trên màn hình computer, sợ mỏi mắt. Nhưng ai cũng biết những cụ này càng ngày
càng thưa thớt, lo đi về nơi tiên cảnh (kể cả kẻ này cũng đang lẽo đẽo theo sau),
là nơi không ai cần biết tin tức trần tục vớ vẩn gì nữa.
Lý do báo in phải cạnh tranh với các
phương tiện truyền thông điện tử là lý do quan trọng, nhưng không phải là lý do
sinh tử. Vì các báo và tạp chí đều đã chuyển hướng, chạy theo đà tiến hóa, nhẩy
vào thế giới ảo của internet hết. Báo nào cũng có trang mạng, facebook,… hết.
Yếu tố thứ hai quan trọng hơn, vì có hệ
quả nặng hơn. Ta thử nhìn lại cho kỹ.
Nhờ sự bành trướng, phát triển quá mạnh
của các phương tiện truyền thông điện tử, chính trị đã được phổ cập hóa quá nhanh, quá mạnh, đi sâu vào quần chúng, vào từng gia đình và từng
cá nhân. Xu hướng ngày trước là đại đa số dân thường chẳng mấy ai để ý đến chuyện
chính trị. Dân Việt ta trước đây vẫn thường nghe câu nói “tôi không làm chính
trị, chẳng biết gì về chính trị”. Nhưng ngày nay, tại xứ Mỹ này, không ai là
không để ý đến chính trị. Từ bữa cơm gia đình tới giờ giải lao tại công sở, từ
khuôn viên đại học đến sân nhà thờ, từ bữa tiệc nhậu đến đám cưới, có dịp nói
chuyện hai ba câu cũng đã là có dịp bàn ra tán vào về những câu chuyện thời sự
chính trị. Ngay cả trong thương xá Phước Lộc Thọ ở khu Bolsa, tranh cãi chính
trị bây giờ hấp dẫn hơn chơi cờ tướng nhiều. Về phiá Mỹ, những bài viết chống
TT Trump bây giờ cũng len vào được các báo trước đây chẳng dính dáng xa gần gì
đến chính trị như Vogue, Vanity Fair, là các tạp chí bàn về mỹ phẩm và thời
trang phụ nữ, hay ngay cả Sport Illustrated!
Và vì ai cũng nhẩy
nhổm vào chính trị nên ai cũng có quan điểm chính trị. Chứ chẳng lẽ nói chuyện
về Obamacare mà lại không có ý kiến gì về TT Obama hết sao? Đưa đến tình trạng
ai cũng có ý kiến, để rồi ai cũng đứng về một bên. Còn rất ít người có thể nói
thực sự là không đứng về phe nào, cho dù nhiều người vẫn thường tự cho là mình
như vậy, không phe phái.
TT Obama khi tranh
cử, tuyên bố rất hùng hồn, không có một nước Mỹ xanh hay một nước Mỹ đỏ, đen
hay trắng, giàu hay nghèo, v.v... mà chỉ có một Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Nhưng
khi ông đã làm tổng thống một thời gian thì được báo phe ta Washington Post tặng
cho cái danh hiệu “tổng thống tạo phân hóa lớn nhất lịch sử Mỹ”.
Dĩ nhiên, một phần
là vì chính sách cấp tiến nặng mà ông theo đuổi. Chẳng hạn như qua Obamacare, từng
bước đi vào ‘xả-hội-chủ-nghiã hóa’ ngành y tế, hay những chính sách phải đạo
chính trị phi lý. Nhưng công bằng mà nói, thì tình trạng phân hóa cũng xẩy ra
vì cả nước Mỹ đều không ít thì nhiều đã lựa phe phái rồi. Gần như cả nước chỉ cần
nhìn vào TT Obama là đã có ngay ý nghĩ thích hay ghét rồi, bất kể ông làm gì
hay không làm gì. Thích thì chuyện gì ông làm cũng đúng, ghét thì chuyện gì
cũng sai.
Thủy triều phân
hóa mỗi lúc mỗi lên cao. TT Trump lên ngôi, giựt ngay chức vô địch phân hóa của
TT Obama. Cũng không khác gì trường hợp TT Obama, một phần vì chính ông đã tạo
ra tranh cãi qua những quyết định hay lời nói, hay chính xác hơn, qua những cái
‘tuýt’ của ông, giựt gân hơn nhạc kích động của Mai-cồ Jackson. Nhưng quan trọng
hơn, chính là sự kiện cả nước Mỹ càng ngày càng phân hóa trầm trọng, càng ngày
càng ôm lấy quan điểm phe phái rõ rệt.
Dưới thời TT Bush
cha cách đây một phần tư thế kỷ, có thể nói trong 10 người Mỹ, có 1 anh theo DC và 1 anh theo CH, với 8 anh tay không
dính chàm. Qua thời TT Clinton, mỗi phe có 2 anh, còn lại 6 anh lửng lơ cá
vàng. Qua thời TT Obama, mỗi bên có 4 anh, còn 2 anh lưỡng lự. Đến thời TT
Trump, mỗi bên 5 anh, ở giữa: 0! Đã vậy, mấy anh ủng
hộ hay chống đều hung hăng như cuồng hết.
Nhìn dưới lăng kính phe phái đó, ta sẽ
hiểu ngay tại sao sau bầu cử cả năm trời mà dường như tất cả mọi người, cả hai
phiá, đều vẫn tưởng như tuần tới mới có bầu bán, nên đang đánh nhau túi bụi
dành phiếu.
Có tổng thống rồi mà! Để ông ta làm việc chứ? Để bà Hillary yên đi, bà đã ngã ngựa lâu rồi, sao
lôi bà ta ra làm gì nữa? Đó là những tiếng kêu trong sa mạc.
Sân chơi chính trị
Mỹ bây giờ không có chỗ cho những người trung dung, huề vốn, hay ba phải nữa.
Nhìn lại xem, tại sao ông Trump đắc cử tổng thống? Ông có giỏi hơn tất cả gần
hai chục đối thủ của ông trong nội bộ CH không? Dường như không. Nhiều đối thủ
của ông kinh nghiệm hơn ông nhiều, ăn nói thao thao bất tận hơn ông, tướng mạo
tốt hơn ông, có ‘bàn tay’ lớn hơn ông, có mái tóc nghiêm chỉnh hơn ông, có đường
lối chính sách hợp lý hơn ông, có hậu thuẫn tài chánh mạnh hơn ông, rất nhiều
thứ hơn ông, nhưng lại thua. Tại sao? Tại vì họ đều xìu xìu ển ển, lập trường
chung chung, nhìn cho kỹ giống nhau hết. Ông Trump hơn họ vì cứng rắn dứt
khoát, ủng hộ thì tôi cám ơn, không ủng hộ, tôi không cần. Ông Trump đã thắng
vì nhiều người thích cái dứt khoát đó, vì chính họ đã có quan điểm dứt khoát rồi.
Từ đây, ta nhìn
qua làng báo.
Sân chơi làng báo
bây giờ cũng không còn chỗ cho những báo ba phải, hay thông tin thuần túy trung
lập.
Từ radio cho đến
TV cho đến báo chí, toàn là những hò hét khen chê thẳng cánh, từ Rush Limbaugh,
Sean Hannity bên phe hữu, đến Chris Matthews, Ruth Marcus của cánh tả, từ CNN đến
Fox News, từ New York Times đến National Review, tất cả chẳng có một ai là nói
chuyện không phe phái. Đánh cho ra đánh, bênh cho ra bênh, ai khiếu nại, mua
báo khác mà đọc, mở đài khác mà coi.
Có hai cách nhìn:
từ phiá độc giả và từ phiá người làm báo.
TỪ PHIÁ ĐỘC GIẢ
Không ai đọc cũng
chẳng ai ủng hộ loại báo trung dung ba phải nữa. Tin tức trung dung hay trung
thực, đã có hàng vạn nguồn tin trên mạng. Tôi có đọc báo thì đó là vì tôi muốn
đọc những gì hợp nhãn, củng cố quan điểm của tôi, chứ không phải để biết tin tức.
Không phải chỉ là báo không thôi, mà ngay cả các đài phát thanh hay các đài
truyền hình cũng vậy. Ít ai để ý đến những tin tức hay bình luận huề vốn, mà
trái lại, phần lớn thiên hạ muốn đọc hay nghe hay nhìn những gì mình thích, hợp
ý mà không cần hợp lý.
TỪ PHÍA NHÀ BÁO
Chỉ vì chính những
quan điểm phe cánh mạnh mẽ đó mới có thể thu hút độc giả hay thính giả hay khán
giả, rồi từ đó đi đến thu hút quảng cáo và bảo trợ nuôi sống báo hay đài đó. Đó
là lý do bắt buộc các cơ quan ngôn luận không thể trung lập được nữa.
Trong khung cảnh
chính trị phân hoá cùng cực hiện nay, truyền thông muốn có chỗ đứng phải có lập
trường dứt khoát, bên này hay bên kia. Ai cũng biết CNN đứng về phiá nào hay
Fox bênh ai. Chỉ vì phải có quan điểm dứt khoát mới có hậu thuẫn của khách
hàng, và có hậu thuẫn của khách hàng thì mới có ủng hộ tài chánh, từ quảng cáo
đến bảo trợ, rồi phải có ủng hộ tài chánh thì mới sống được. Triết lý đơn giản
hơn A-B-C.
Thậm chí bây giờ
truyền thông có muốn trung lập hay đa dạng, cũng không được. Vì đa dạng là chấp
nhận có đủ tiếng nói đối nghịch, từ mọi phiá. Tình trạng phân hóa chính trị
ngày nay đã đi đến cảnh không ai chấp nhận tiếng nói chói tai khác nữa. Cứ nhìn
vào đám sinh viên cấp tiến của đại học Berkeley thì thấy. Đây là đại học trước
đây nổi tiếng là thành đồng của tự do ngôn luận. Nhưng bây giờ thì đã biến
thành nơi chỉ chấp nhận tiếng nói thiên tả hoàn toàn một chiều, cho dù cực đoan
nhất. Tiếng nói thiên hữu bị dập tắt từ trong trứng nước, bị biểu tình phá, ăn
đòn ngay.
Chưa hết. Cái khối
bảo trợ tài chánh muốn đi xa hơn nữa. Không còn là “bảo trợ” không nữa, mà muốn
kiểm soát luôn cả nội dung các báo và đài luôn. Nhiều tiền như anh em nhà Koch
thì mua luôn cả tờ báo. Ít tiền hơn thì qua quảng cáo, áp lực tờ báo không cho
đăng bài này, phải đăng bài kia. Tệ hại hơn nữa thì tìm cách triệt hạ như
O’Reilly bị loại ra khỏi Fox News.
Vẫn chưa hết. Đứng
về một phe vẫn chưa đủ. Còn phải dùng những thậm từ, những ngôn từ nổ hơn kho đạn
Biên Hòa để câu khách.
Khi một tờ báo lớn
viết bài không phải dưới tên một nhà báo quèn mà là dưới tên ban chủ biên
–editorial board- mà lại có thể nói đương kim tổng thống không đáng đi chùi cầu
tiêu cho ông tổng thống tiền nhiệm, thì rõ ràng có cái gì bệnh hoạn trong truyền
thông dòng chính Mỹ. Và khi truyền thông tỵ nạn hớn hở phổ biến cái tin đó, thì
rõ ràng đã có cái gì... còn bệnh hoạn hơn nữa!
Trong những xứ độc tài đảng trị
thì đảng ta kiểm duyệt truyền thông, khỏi bàn thêm. Tại Mỹ này thì truyền thông
tự nguyện cho đô-la kiểm soát, qua bảo trợ và quảng cáo.
Nhìn từ góc cạnh
này thì ta hiểu tại sao những đại tài phiệt tư bản nặng, chủ các cơ quan ngôn
luận lớn nhất Mỹ lại chấp nhận báo hay đài của mình ngả về phiá tả: vì họ phục
vụ cho những thị trường lớn như New York, Washington DC, Los Angeles, San
Francisco, Chicago, ... là những nơi mà độc giả, khán giả và các cơ sở thương mại
quảng cáo, phần lớn theo khuynh hướng cấp tiến thiên tả. Đại tài phiệt, bất kể
cấp tiến hay bảo thủ, luôn luôn lấy doanh thu làm yếu tố quyết định.
Trở lại chuyện báo
TIME: cho dù được các tài phiệt tư bản nặng mua lại, nhưng có nhiều triển vọng
vẫn tiếp tục khuynh hướng cấp tiến vì đại đa số khách hàng là dân trí thức cấp
tiến. Cũng không khác gì Newsweek và WaPo, các ông chủ mới là đại tài phiệt,
nhưng quan điểm của báo vẫn là cấp tiến, chống Trump, vì khách hàng của họ là
trí thức cấp tiến.
Diễn tiến thời cuộc
đưa đến tình trạng này. Chẳng ai muốn, cũng chẳng ai chống chế được. Cũng chẳng
ai trách các báo, các đài được. Vấn đề sinh tử của họ.
Lý do tài chánh
quan trọng thật, nhưng còn một lý do nữa khiến các cơ quan truyền thông đứng
qua một bên chứ không còn trung dung nữa: đó là ngay cả các chủ báo phần lớn
cũng đã khoác bộ áo ‘chiến sĩ’ tranh đấu cho lý tưởng của họ, dù là bên tả hay
bên hữu. Một ông chủ báo hay chủ bút cấp
tiến dĩ nhiên sẽ ngả qua phiá tả, hay ngược lại, nếu bảo thủ, sẽ thiên về phe hữu.
Và một khi đã lựa
chọn chỗ đứng, bất kể vì lý do tài chánh hay quan điểm chính trị, thì tất nhiên
là phải có tuyển lựa người hợp tác viết bài, chọn những người cùng chia xẻ quan
điểm.
Báo chí như phương
tiện thông tin trung lập đã chết từ lâu rồi, bây giờ báo chí đã thành công cụ
tuyên truyền phe phái. Chuyện đa dạng là chuyện mộng mơ không còn thực tế. Đa dạng
trong tình trạng chung của cả ngành truyền thông được, kiểu như có báo bảo thủ,
có báo cấp tiến, nhưng không thể đa dạng trong khuôn khổ một tờ báo hay một đài
TV. Chẳng phải là chuyện thương ghét cá nhân, mà là một quyết định kinh doanh
-business decision.
Thật sự vẫn có tự
do ngôn luận trên đất Mỹ này thật. Nhưng là thứ tự do có hộp, có ngăn, có nắp,
kiểu như đứng đúng bên thì nói sao cũng được, đứng lộn bên thì... xin vui lòng
về đúng chỗ. Một Sean Hannity của Fox không thể nào có mặt trên CNN. Các nhà bảo
trợ CNN sẽ chấm dứt yểm trợ CNN ngay.
Không nên mơ mộng
một truyền thông trung thực, đa dạng không phe phái nữa. Đó là con khủng long
đã bị tuyệt chủng lâu rồi. Một cái nhìn quá bi quan không? Muốn biết, quý độc
giả cứ nhìn thử vào thực tế chung quanh xem.
Truyền thông tỵ nạn
thì sao? Quý vị cứ tự xét.
Vũ Linh
Quý độc giả có thể chia sẻ ý kiến trong
phần ‘Góp Ý’ ngay dưới bài viết, hay qua tiết mục ‘Liên Lạc’ (Contact) trên
“diendantraichieu.blogspot.com”, hay qua email: Vulinh11@gmail.com.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire