DÒNG NHẠC TUỔI TRẺ YÊU NƯỚC
Ngồi
trên chuyến bay từ San Francisco trở về lại Paris, mang theo tâm trạng
vui buồn, chút bâng khuâng nghĩ về những người bạn, người anh mà tôi đã
có dịp được kết thân sau chuyến đi ra mắt dòng nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước
tại San Jose miền Bắc Cali, nơi có những trái tim Việt Nam lưu lạc đang
thổn thức ngày đêm về một Việt Nam u tối , biết bao sinh linh sống cảnh
lầm than trong những mảnh đời nghiệt ngã trước sức mạnh của kẻ cường
quyền, bàn tay bạo lực ấy đang xiết dần mòn hơi thở Mẹ Việt Nam trong
nỗi đau thống hận.
Tôi đến với dòng nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước chẳng bởi một tình cờ, mà do
từ nỗi trăn trở về một đất nước mang đầy những vết tích oan khiên, ở
nơi đó con người được đối xử theo nghĩa «thống trị và bị trị», những
người tuổi trẻ ấy đã sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử khốc
liệt nhất, họ trưởng thành trong một nền giáo dục mang đầy kịch tính,
được che đậy bằng những mỹ từ cao đẹp huyễn hoặc, và từ những bất công
của xã hội, nhất là khi nhìn thấy sự nhu nhược của đảng cộng sản trước
cảnh ngư dân bị tàu cộng đàn áp, và họ…. những trái tim xanh không bị
nhuốm mùi bùn, đã đứng lên và làm ngọn đuốc tiên phong mở ra một sinh lộ
mới cho dân tộc cùng chung bước. Việt Nam Tôi Đâu là bước đi khởi đầu
cho một cuộc cách mạng dấn thân bằng những tháng năm tù tội, đánh thức
tuổi trẻ ý thức hơn về sự vẹn toàn lãnh thổ. Việt Khang đã nhấn mạnh ở
chủ đề Việt Nam Tôi Đâu, và anh đã thổn thức với «Giờ đây Việt Nam còn
hay đã mất» câu hỏi ấy ít nhiều cũng tác động đến những trái tim còn
đang mê muội, từ chửi rủa đi đến tìm hiểu đó là bản năng của tuổi trẻ,
từ đó…Ngọn Đuốc Việt Khang đã thắp sáng lên tinh thần dân tộc mà chúng
ta có thể thấy ở phiên tòa của Phương Uyên và Nguyên Kha vào ngày
16-05-2013 vừa qua. Hồn thiêng sông núi đã hiển linh thôi thúc những đứa
con mang trong mình giòng máu Lạc Hồng cùng đứng lên đi làm lịch sử. Từ
những cuộc xuống đường dù ít ỏi và bị đàn áp dã man bằng những cú đạp
hận thù của người đồng chủng, sự phẫn nộ đã thúc đẩy Anh Là Ai ra đời,
một lần nữa Việt Khang đã cho chúng ta thấy sự hèn hạ của đảng cộng sản
«Ác với dân, hèn với giặc», cái giá cho sự lên tiếng đó Việt Khang đã
phải trả bằng bốn năm tù giam và hai năm quản chế. Dòng nhạc Tuổi Trẻ
Yêu Nước chẳng phải bắt đầu từ Việt Nam Tôi Đâu, dòng nhac ấy đã như
những con sóng ngầm được kết tụ từ ý thức hệ của những người trẻ, biết
phân biệt giữa chính tà. Trước khi Việt Nam Tôi Đâu ra đời thì đã có
Người Việt Nam, Hào Khí Rồng Tiên, Oai Hùng Đất Việt, Hãy Thắp Lửa Lên
v..v..của nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, anh là một nhạc sĩ đã viết lên những
tác phẩm nói về tình yêu quê hương, nêu cao tinh thần dân tộc.
Người Việt Nam…. là một trong những tác phẩm mà nhạc sĩ Trần Vũ Anh
Bình đã sáng tác dưới bút hiệu Hoàng Nhật Thông và được trình bày qua
tiếng hát của ca sĩ Đan Trường. Nói đến nhạc phẩm này để chúng ta thấy
rằng, dù sống trong một môi trường mà nền âm nhạc đã bị tha hóa bởi một
nền văn minh «hỗn tạp», nơi đó người nhạc sĩ đã trở thành những người
«thợ sáng tác» theo lối công nghiệp, theo đơn đặt hàng….thì Trần Vũ Anh
Bình vẫn ôm ấp trong lòng một tình yêu quê hương nồng nàn…
Yêu sao người Việt Nam đẹp màu da pha mưa nắng
Lấp lánh trong màu mắt cháu con nòi giống máu Tiên Rồng
Thời cha ông sức gai chông, ngàn năm lưu dấu non sông
Đẹp mãi nhé những tâm hồn Việt Nam dấu yêu
Người Việt Nam tiến lên
Cho quê hương ngời sáng
Trời đông thêm rạng ngời
( Người Việt Nam- Hoàng Nhật Thông)
Hay…
Oai hùng đất Việt ngàn năm văn hiến,
Nghìn năm trước Tổ Tiên Cha Ông dựng xây
Nghìn năm trước Tổ Tiên oai phong còn đây
Cho cháu con muôn đời mãi luôn tự hào
Trước nguy biến Sơn Hà máu loang thắm quê nhà
Quyết tranh đấu ta nắm tay cùng bước chân xa
Đây con tim vì Quê Hương Đất Nước
Quyết đấu tranh cho non sông Việt Nam
( Oai Hùng Đất Việt –Hoàng Nhật Thông)
Mỗi lời ca của Trần Vũ Anh Bình là một lời hiệu triệu của Hội Nghị Diên Hồng, toàn dân có nghe chăng, Sơn Hà đang nguy biến, lòng này cuộn trào dâng, sục sôi chí khí phục hưng…..
Đây Việt Nam Hồn Thiêng từ bao đời
Lời vọng vang nghìn năm từ núi sông
Vùng trời đông này mau bước thành rồng
Lòng hờn căm dâng cao một trời
Máu thắm loang một đời
Vùi xác thân, dân Việt Nam
Lòng này cuộn trào dâng
Sục sôi chí khí phục hưng
Hồn Việt chợt bừng sáng
Cho sức sống luôn kiêu hùng
Rạng ngời vùng trời đông
Dâng sóng quất trôi quân thù
Khiếp nhược ngoại xâm
(Hào Khí Rồng Tiên-Hoàng Nhật Thông)
Và….
Hãy thắp lửa lên…xóa hết giặc thù
Bập bùng..bập bùng lửa cháy
Lửa cháy sáng trong tim
Một lần tuổi trẻ vùng lên, khi nước non kêu gọi
Hãy thắp lửa lên hỡi thanh niên Việt Nam
( Hãy Thắp Lửa Lên- Hoàng Nhật Thông)
Trần Vũ Anh Bình đã yêu con Người Việt Nam qua hình ảnh ngàn năm dựng
nước của Cha Ông, anh biết quý trọng công sức Tiền Nhân đã bao đời gầy
dựng…Đẹp mãi nhé những tâm hồn Việt Nam dấu yêu, Người Việt Nam tiến lên, cho Quê Hương ngời sáng, trời Đông thêm rạng ngời.
Từ
những tâm hồn Việt Nam trong sáng ấy, hai người nhạc sĩ trẻ có chung
một lý tưởng đã tìm đến nhau, họ nhìn nhau bằng ánh mắt thương cảm cho
một thế hệ đen tối đang bị nhà cầm quyền đóng đinh trên thập tự giá,
chân lý bên kia đồi thương khó là một vũng lầy của sự chết, mà Việt
Khang và Trần Vũ Anh Bình đã chọn con đường đau thương để dấn thân cho
sự mất còn của Dân Tộc, Dòng Máu Oai Hùng đã không thể ngăn bước chân
của những người con mang dòng Lạc Việt, nếu Bạch Đằng Giang đã trở thành
bản hùng ca bất diệt trên dòng sông lịch sử, là biểu tượng cho ý chí
độc lập chống ngoại xâm thì Dòng Máu Oai Hùng một lần nữa là lời hiệu
triệu những bước chân Việt Nam cùng tiến lên cho nền Tự Do Dân Chủ Nhân
Quyền.
Cất tiếng lên! Dòng máu oai hùng Việt Nam
Khắp bốn phương hân hoan reo vang
Đã đáp lại từng lời gọi mời
Lời Sông Núi uy phong vang vọng trời Đông
Này tuổi trẻ ơi! Quê Hương mình đang rướm máu
Xin hãy góp lại giọt máu tuổi trẻ Việt Nam
Cùng lên tiếng Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền
Cùng lên tiếng để xóa hết nỗi ưu phiền
Tuổi trẻ oai hùng dòng máu thắm
Tuổi trẻ chung lòng vòng tay nắm
Cất tiếng lên đấu tranh cho nước non mình
( Hoàng Nhật Thông- Việt Khang)
Nếu như dòng nhạc của Trần Vũ Anh Bình là những con sóng ngầm, thì
Việt Nam Tôi Đâu và Anh Là Ai chính là những con gió tạo thành cơn bão
táp phá vỡ bức tường hèn nhát của một thế hệ bị giam cầm trong ngục tù
của “chủ nghĩa tuân thủ”. Từ đó…dòng nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước đã tuôn chảy
như cơn thác lũ, những khát khao về một Việt Nam Tự Do Dân Chủ Nhân
Quyền đã vượt lên mọi sợ hãi, Từ Trần Vũ Anh Bình, Việt Khang, Phương
Uyên và Nguyên Kha lần lượt cất lên những tiếng nói đánh dấu một giai
đoạn lịch sử hùng hồn của thế kỷ 21, “Tôi không chống dân tộc tôi, tôi
chỉ chống đảng cộng sản, mà chống đảng thì không phải là tội”. Lời
tuyên bố của Nguyên Kha đã đi vào lịch sử, trong 38 năm qua….biết bao
tiếng nói từ trí thức đến các nhà đấu tranh dân chủ gạo cội, không đi
quá trong khuôn khổ “ Tôi không chống đảng…. tôi chống sự bất công,
chống tham nhũng, chống độc tài” nhưng Nguyên Kha đã thể hiện tinh thần
bất khuất như tiếng nói dõng dạc của Trần Bình Trọng khi xưa “ Ta thà
làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc” Nguyên Kha đã bước ra
chiến trường không mang trên mình một manh áo giáp, những con người
đang ngất ngưởng trên ngôi cao quyền lực kia nếu còn biết đến hai chữ
liêm sĩ cũng phải tháo nón nghiêng mình ngưỡng phục. Viết đến đây… những
giọt nước mắt tự hào đang trào dâng trong tôi, niềm kiêu hãnh sau những
lần trình bày những tác phẩm của các em, cho dù bất cứ nơi đâu hay bối
cảnh nào, dòng nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước đều hiện diện khi có mặt tôi, tôi
không màng khán giả có thích nghe hay không, có nhiều tiếng vỗ tay hay
không, điều đó không còn là vấn đề mặc cả cho một lý tưởng mà tôi đã
chọn.
Để bước theo Ngọn Đuốc Việt Khang, như ngọn sóng sau dồn con sóng
trước chẳng ngừng, một dòng nhạc mới nối tiếp cho Việt Nam Tôi Đâu. VIỆT
OAN…người nhạc sĩ trong bóng đêm , đã viết lên những bản trường ca mới
cho một cuộc nổi dậy tiêu diệt bọn ác bá tham quan , đánh đuổi bọn giặc
nô ra khỏi bờ cõi. “Bữa Cơm Tù” như một lời chia sẻ với những người
anh em đang sống trong cảnh khốn cùng của địa ngục trần gian…
Bữa cơm tù, ngày ngày muối trắng cơm chua thiu
Bốn năm thằng, bạn tù chia sớt ăn chưa no
…
Tại vì chống đối tham ô
Tại vì chống đối cộng nô
Tại vì chống đối tàu gian
Giờ này đây tay xiềng chân xích
……
Tấm thân gầy, ngày ngày cuốc đất thay con trâu
Sống qua ngày, thằn lằn rắn rết ăn cho xong
Đêm đêm về, tâm sự nhiều nỗi buồn đau
Thương cho người, bạn tù không nói năng vội đi.
(Bữa Cơm Tù- Quốc Nội)
Sau
nỗi đau tận cùng là sự khởi sắc bắt đầu cho một cuộc chiến mang đầy nỗi
thống hận, những tâm hồn tuổi trẻ ấy đã biến đau thương thành sức mạnh,
một lần nữa lời hiệu triệu kêu gọi “ Đồng Bào Tuổi Trẻ Ơi Đứng Lên”
cùng đè bẹp lũ cộng nô, xé tan quân giặc tàu…
Anh em ta là những người yêu nước
Qua nhiều năm dưới ách tham ô bạo quyền
Nhìn đồng bào con cháu kêu gào quặn đau
Bọn cộng nô ngồi chốc mua vui hưởng thú
……
Đứng lên, đứng lên đồng bào ơi
Đứng lên, đứng lên đòi nợ máu
Đòi lại máu người thân
Chết oan vô tội tình
Vì bè lũ cộng nô
Bán nước gây tội ác
Đứng lên, đứng lên tuổi trẻ ơi
Đứng lên, đứng lên đừng sợ hãi
Đè bẹp lũ cộng nô
Xé tan quân giặc tàu
Ngàn năm sau con cháu
Còn nhớ nhắc tên người
( Đồng Bào Tuổi Trẻ Ơi Đứng Lên- Việt Oan)
Từ những Đồng Bào Tuổi Trẻ Ơi Đứng Lên, đến Đoàn Kết Chống Giặc Tàu,
Đánh Đuổi Cộng Nô. Việt Oan luôn kêu gọi sự đoàn kết, kêu gọi tuổi trẻ
hãy làm một cuộc cách mạng bản thân, bước qua nỗi sợ hãi, noi theo bước
Cha Ông, làm ngọn đuốc tiên phong, xóa tan đi những bóng đêm của gông
cùm, ngục tối. Người nhạc sĩ nhốt mình trong bóng đêm ấy, không phải để
bảo vệ cái thân xác phàm mà anh đã nguyện hiến mình cho Tổ Quốc, anh
chọn sự khôn ngoan để giữ Ngọn Đuốc Tuổi Trẻ không bị dập tắt bởi sức
cô…lực yếu. Chúng ta biết đến Việt Oan qua những lời ca đanh thép, hãy
bước tới thêm một bước để nhìn rõ hơn trái tim đang vụn vỡ của anh trước
cảnh lầm than của bọn ác bá tham ô đang sống trên xương máu đồng
bào…hãy nghe tiếng gào thét của anh qua tác phẩm “Đồng Bào Đồng Chí” ….
Đồng Bào và đồng chí
Hai đường lối sống không như nhau
Đồng bào tay lấm đất bùn
Gầy xanh xao cháo trắng khoai cầm hơi
…..
Đồng chí hỡi sao anh tàn sát đồng bào
Làm tay sai cho tàu
Đem đất nước dâng cho tàu gian
Đồng chí hỡi sao anh độc ác bạo tàn
Người yêu nước xuống đường
Anh đem nhốt, anh giam, anh đọa đày
Đồng bào và đồng chí
Sau này không biết ra sao đây
Giặc tàu tràn lan phố phường
Con cháu mình lưu vong sống đọa đầy.
(ĐồngBào Đồng Chí- Việt Oan)
Từ Đồng Bào Đồng Chí, đến TO nhỏ nhỏ TO, Đúng…Đồng Chí Nói. Việt Oan
đã nói lên tất cả những sự thối nát của nhà cầm quyền, lời ca và tiếng
hát anh đã xuyên thủng bộ máy tuyên truyền của đảng, đang sử dụng truyền
thông bằng mọi cách che mắt, bịt tai người dân qua những hành động bán
nước dâng đất cho tàu cộng. Ngoài ra Việt Oan cũng không quên vinh danh
người anh em Việt Khang đang sống trong vòng lao lý, qua những tác phẩm
Việt Khang Anh Hùng, Anh Là….như một lời tri ân đến một người con của Tổ
Quốc, đã hiến trọn thân mình cho núi sông. Để phá tan huyền thoại “hồ
chí minh”, Việt Oan đã cùng với Việt Quyền, một bước chân mới đang bước
theo Ngọn Đuốc Việt Khang, những người sinh sau cuộc chiến, giờ đây đã
nhìn ra sự phá sản toàn diện từ kinh tế, giáo dục, nền tảng đạo đức cũng
như niềm tự hào dân tộc sau 38 năm cai trị toàn Quốc của nhà cầm quyền
cộng sản. Nhạc phẩm “ Nếu Em Gặp Bác” là mồ chôn “ Tư Tưởng Đạo Đức Hồ
Chí Minh” qua lối châm biếm mà các em ít nhiều cũng bị ảnh hưởng từ một
xã hội mà quyền tự do ngôn luận chỉ được nằm trong một khuôn khổ “cho
phép”.
Nếu một mai em có về gặp bác
Gặp lão hồ ly, xác chết phơi khô bên đường
Lão có hỏi, đất Việt êm ấm chưa
Theo bước hồ già, đừng sợ em cứ dối trá đi
……..
Nếu lão hỏi đất Việt êm ấm chưa
Tôi sẽ trả lời, đất Việt đẹp lắm người ơi…
Người có biết không quê hương mình đẹp lắm
Từ Bắc vô Nam, là một bức tranh quê hương nghèo
Đảng vẫn ngang tàn, đàn áp cướp bóc hại dân
Nhà nước ban quyền, đầu gấu đánh đập dân oan
Xiềng xích lao tù, đảng chuốc lên đầu nhân dân.
( Nếu Em Gặp Bác- Việt Oan- Việt Quyền)
Dòng Nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước đang như những nhánh sông thoát dần ra
biển cả, những trái tim xanh thấm nhuần tình dân tộc đang quyện lẫn
trong vũng xoáy yêu thương, ở nơi đó có bài tình ca đoàn kết cùng chung
sức phá tan bức gông xiềng độc tài đảng trị, thêm một bàn tay, thêm một
sức mạnh. “Giọt Lệ Sầu Cho Quê Hương” với bút hiệu Vô Danh đã khiến
người nghe ray rức, thương cảm cho một mái đầu non chập chững bước vào
cuộc đấu tranh mà hành trang mang theo chẳng có gì ngoài một trái tim,
dù biết mình “kém cỏi”, Vô Danh vẫn không ngại ngùng viết lên những ca
khúc như một bức tranh được vẽ lên bằng ngòi bút trẻ thơ…
Mình cùng giòng máu xin anh đừng giết nhau
Để đấng anh hào cùng nắm tay nhau
Đem bầu nhiệt huyết đánh tan quân tàu
( Giọt Lệ Sầu Cho Quê Hương- Vô Danh)
Đó là lời kêu gọi của Vô Danh khi nhìn cảnh công an đàn áp người biểu
tình, bắt giam người yêu nước, tôi thương em vì những câu nói ngây ngô
không thù hận, nhưng em biết đau nỗi đau dân tộc khi thấy bọn tàu gian
đàn áp ngư dân, em biết khóc khi thấy chiếc roi đồng chủng quất mạnh vào
thân xác những kẻ thế cô làm tim em rỉ máu. Nếu như em có bảo với tôi
rằng “ hồi nhỏ nhà em nghèo lắm, em không được đi học” thì em hỡi…..em
vẫn hơn cả trăm cả ngàn những kẻ mang danh trí thức, những kẻ quyền cao
chức trọng gấp vạn lần, bởi những con người ấy cũng như loài thú chỉ
biết chăm sóc cho bộ lông của mình.
Tuổi thơ tôi được nuôi lớn bằng tiếng bom đạn, bằng đôi tay ghì báng
súng của Cha Anh. Tuổi trẻ tôi là những ngày lang thang tìm miếng sống,
được nấu trong một nồi khoai “thống nhất”, một đống xương “ hòa bình”
ninh nhừ từ công thức “ giải phóng”. Nếu nói đó là sự bất hạnh thì tôi
nghĩ chẳng còn gì bất hạnh hơn cho những người tuổi trẻ sinh sau cuộc
chiến, vì ít ra tôi cũng được sống qua một giai đoạn tự hào, đáng sống.
Nhưng các em tôi…những người trẻ hôm nay, họ là nạn nhân của một cuộc
chiến được kết thúc bởi những bộ não hoang tưởng, và “gia tài của Mẹ để
lại cho con” sau 38 năm là một nước Việt băng hoại được thay thế từ
những chủ thuyết ngoại lai cài cấy vào bộ não son trẻ làm tê liệt đi
những mầm xanh tươi của dân tộc. Lịch sử không phải là một cuốn sách cứ
đốt đi là hết, ngụy quyền cộng sản có đốt đi trăm ngàn trang sử, cũng
không đốt được tinh thần dân tộc đã được nung nấu từ những chiến công
hiển hách của Cha Ông đã bao đời gầy dựng. Bạch Đằng Giang còn đó, hồn
Hát Giang vẫn sống trong lòng mỗi người con dân Việt, dòng lịch sử oai
hùng ấy vẫn chảy, vẫn sống mãi với những bản hùng ca mà thế hệ bao đời
đã truyền lại cho con cháu. Và “ Danh Anh Hùng “ đã được viết ra từ
những bản hùng ca ấy, đó chẳng phải là niềm đáng tự hào sao…tiếp tục đốt
đi, tiếp tục xé đi hỡi những bàn tay đòi che cả ánh mặt trời.
Danh Anh Hùng còn đây
Bia Anh Hùng còn đó
Đền thờ ta vẫn thấy
Xin người hãy cùng noi gương
Gương yêu nước đáng ghi đáng nhớ
Tuổi trẻ ơi, hãy cùng tôi
Đem người bán nước ra xử tội hình.
(Danh Anh Hùng- Vô Danh)
38
năm kể từ ngày gẫy súng….38 năm chờ đợi, biết bao người mang theo mối
hận Nước vào trong mộ phần, niềm hy vọng tưởng chừng đã chết ấy, như một
thân cây bỗng hồi sinh từ những cơn mưa sau những ngày nắng hạn, lịch
sử đã không tàn nhẫn với những người con đã hy sinh thân mình để bảo vệ
miền Nam trong suốt cuộc chiến kéo dài hơn hai mươi năm. Danh dự của
người lính Việt Nam Cộng Hòa đã được phục hồi sau bao nhiêu năm bị chà
đạp và sỉ nhục bằng những đòn thù hèn hạ nhất. Ngày hôm nay, những người
tuổi trẻ không nợ nần gì với cuộc chiến ấy, đã phá tan bức tường bưng
bít để thấy rõ hơn giá trị của người lính Việt Nam Cộng Hòa, cái nhìn
thiện cảm ngày một nhiều hơn, và từ thiện cảm đi đến niềm tự hào, đất
nước này đâu thiếu những người con sẵn sàng hy sinh cho Tổ Quốc. Sự kiện
Hoàng Sa lần đầu tiên đã được nhắc đến nhiều nhất kể từ đầu năm 2013,
những buổi thắp nến tưởng niệm do nhóm thanh niên Hà Nội tổ chức một
cách trang nghiêm với những lời tri ân tinh thần dũng cảm của hải quân
Việt Nam Cộng Hòa. Nhạc phẩm “Biển Của Quê Hương” được sáng tác cũng
vào thời điểm tưởng niệm những anh hùng Vị Quốc Vong Thân, kèm theo lời
nhắn của tác giả “ Để tưởng niệm và vinh danh những anh hùng đã hy sinh
trong trận hải chiến Hoàng Sa 19-01-1974”. Khi nhận được bản nhạc từ
nhóm Tuổi Trẻ Yêu Nước tôi đã xúc động đến rơi nước mắt, mỗi lời nhạc là
một ánh sáng mở ra cánh cửa tù ngục đã giam hãm danh dự người lính Việt
Nam Cộng Hòa trong suốt 38 năm dài, cuối cùng chính nghĩa đã trở về
đúng với bản chất của nó.
Lầm lũi những con tàu ra khơi mờ trong sóng cuộn
Hoàng Sa dưới gót tàu xâm lăng chờ trông réo gọi
Đời anh có xá gì hiểm nguy nợ sông núi thề
Tử sinh giữ thân Mẹ bình yên vẹn nguyên mới về
…..
Trùng khơi xa quân Nam xông pha
Diệt tàu xâm lăng, đạn thù bủa vây
Các anh gục ngã, biển của quê hương
Cuồng nộ đau thương
Ôm xác những đứa con anh hùng.
(Biển Của Quê Hương- Trần Bảo Như)
Lịch sử Việt Nam trải qua nhiều thăng trầm dâu bể, mỗi giai đoạn là
một cung bậc tùy theo duyên số của mỗi người gặp phải, tôi sinh ra và
lớn lên giữa cuộc binh biến, tiếng bom đạn dường như đã trở nên quen
thuộc với những người con dân miền Nam, chiến tranh đã tạo ra những
người anh hùng để tôi ngưỡng mộ bằng mắt thấy….tai nghe, hay những cái
chết hiên ngang trong ngục tối để lại những bi lụy cho người thân yêu
phải ôm nỗi đau đi hết đoạn đường trần. Những mảnh đời côi cút ấy không
biết giờ đây sau 38 năm có tìm được một chút bình an, hay vẫn lang thang
ở một nơi nào đó vất vưởng qua ngày, nỗi bất hạnh này là do đâu….ai đã
gây ra cảnh “ Cha chết Mẹ buồn đau, Mẹ theo Cha bỏ mặc em cho đời”. Xót
Xa Phận Mồ Côi là một tác phẩm được phổ từ bài thơ Tự Do của tác giả Tâm
Thu mà tôi đã vô tình đọc được trên net. Ngày nay….những mảnh đời bất
hạnh ấy vẫn lê la khắp mọi nẻo đường, hay trên những bãi rác về đêm,
ngoài cặp mắt vô hồn….. thân thể ấy đã chết rồi trong vũng tối tương
lai.
Đêm vắng đìu hiu trên vỉa hè đường phố
Thằng bé co ro ngơ ngẩn nhìn thế nhân
Manh áo rách đời tả tơi
Thịt da cằn khô vàng khói
Chân nấm vết nứt sần chai
……
Nhiều đêm khuya em khóc
Thương nhớ Cha thương Mẹ em khóc ngâu
Cha chết trong ngục sâu
Xác phơi giữa rừng không nhang khói
Đòn rơi trên thân xác
Cha cắn răng không hàng quân sói lang
Trăm vết thương hằn đau
Rồi Cha đi bỏ mình em trên đời
Cha chết Mẹ buồn đau
Mẹ theo Cha bỏ mặc em cho đời.
( Xót Xa Phận Mồ Côi- TTYN)
Để yểm trợ cho Dòng Nhạc Tuổi Trẻ Yêu Nước, cá nhân tôi không làm được
gì ngoài dùng tiếng hát mà tôi may mắn có được để đưa những suy tư của
các em đến đồng bào Hải ngoại cũng như Quốc nội, tôi cũng như các
em….Chỉ là những viên gạch lót đường, đem lời ca tiếng hát để kêu gọi
tất cả mọi người cùng tham gia xây dựng ngôi nhà Việt Nam, với hy vọng
sẽ làm cho những giọt mồ hôi nhễ nhại nếu như có chảy xuống thì cũng để
đánh đổi một nụ cười cho hậu thế. Các em đang là những chiến sĩ nơi tiền
tuyến, chúng ta là những người hậu phương, hãy sống lại tình Quân Dân
như cá nước, cho Việt Nam da vàng máu đỏ, nét môi cười một trời Tự Do.
Quê Hương Ngày Về là một tác phẩm mà tất cả con dân Việt đều mong muốn
để kết thúc một giai đoạn lịch sử tàn khốc nhất, đen tối nhất mà cộng
sản Việt Nam đã đem về từ một chủ thuyết ngoại lai đầy đọa con Dân Việt
trong suốt thập niên qua. “Hát Cho Tuổi Trẻ Uyên Phương- Nguyên Kha” mà
nhạc sĩ Huỳnh Công Ánh đã viết cho các em trước khi phiên tòa ngày 16-05
xảy ra, tinh thần Việt Khang, Trần Vũ Anh Bình, Phương Uyên, Nguyên Kha
sẽ mãi mãi bất diệt, hãy thắp sáng lên tinh thần của TUỔI TRẺ bằng yêu
thương, bằng những giọt máu chảy về tim thắm tươi tình Dân Tộc. VIỆT NAM
MUÔN NĂM.
Tiền kiếp quay về
Từ Đống Đa Bạch Đằng xuôi dòng sông Hát
Uy Linh Tiền Nhân phảng phất khắp Sơn hà
Em đứng hiên ngang, giữa cộng thù bán nước
Nanh vuốt hung tàn, cắn xé nát quê Cha
Máu em đã đổ, dòng Lạc Hồng xót xa
Gậy gộc giáng xuống, Tự Do sẽ nở hoa
Tuổi trẻ ơi, tuổi trẻ ơi
Ơi Phương Uyên, ơi Nguyên Kha
Đứng lên đứng lên đồng bào ơi đứng lên
Quyết ta quyết không thể làm ngơ mất nước non
Cộng nô phải hết, toàn vẹn Giang sơn
Giữ gìn bờ cõi, Việt Nam Muôn Năm.
(Hát Cho Tuổi Trẻ- Phương Uyên Nguyen Kha- Huỳnh Công Ánh)
Cảm ơn em Việt Thơ ( Một thành viên trong nhóm TTYN) đã thực hiện Video clip rất xúc động.
“Tuổi
trẻ yêu nước không phải là một tổ chức chính trị. Tuổi trẻ yêu nước là
nơi quy tụ những thành phần sinh viên, ca nhạc sĩ dùng biểu ngữ tờ rơi
và lời ca tiếng hát để nói lên suy nghĩ của mình về quyền con người và
sự bất công trong xã hội. Mọi thành viên trong nhóm Tuổi trẻ yêu nước
đều không phân biệt chức vụ như các tổ chức chính trị hải ngoại và chúng
tôi không bị chi phối bởi bất cứ tổ chức nào tại hải ngoại”.
Đó là lời phát biểu của em Nguyễn Thiện Thành mà tôi nghe được trên đài
RFA qua cuộc phỏng vấn cùng với tác giả Mặc Lâm. Với tôi….Tuổi trẻ yêu
nước chỉ đơn thuần là những người nghệ sĩ, họ không có “khả năng” hay
một chút tham vọng về chính trị, điều đáng trân quý là họ biết dùng âm
nhạc để phục vụ cho Tổ Quốc, đó chẳng phải là điều chúng ta mong mỏi
sao? Tôi luôn đặt những suy tư rằng…Trong ba mươi mấy năm qua mới có
được một nhóm thanh niên có khả năng và có tấm lòng cất lên tiếng hát mà
họ coi đó như là một vũ khí duy nhất nằm trong khả năng mình có được,
dù chưa hoàn chỉnh vì thiếu kinh nghiệm, thiếu sự đào tạo chuyên môn,
nhưng điều đó chưa hẳn cần thiết cho một tâm hồn trong sáng, bước ra
chiến trường áo giáp duy nhất mà họ có được là TINH THẦN DÂN TỘC. Nếu
như những người còn lại trong nhóm đều chịu chung số phận như Việt
Khang, Trần Vũ Anh Bình, Phương Uyên, Nguyên Kha…liệu rồi đây có còn ai
trong Quốc nội tiếp tục cất lên tiếng hát nói lên sự bất công của xã
hội, hay còn ai kêu gọi những lời hiệu triệu để thanh niên cùng đứng lên
làm một cuộc cách mạng, phá vỡ gông xiềng đang giam nhốt 90 triệu người
con dân Việt trong ngục tù tăm tối, lời khuyến khích ủng hộ tinh thần
là điều cần thiết nhất mà Tuổi trẻ yêu nước đang cần từ những đồng bào
hải ngoại, không ai có thể tách riêng họ, vì sự thật Tuổi Trẻ Yêu Nước
chỉ có một gia đình duy nhất, đó là TỔ QUỐC VIỆT NAM. Họ là những đứa
con thân yêu của Tổ Quốc và sẽ là chủ nhân của Đất Nước trong tương lai,
rồi đây chính họ…những người Tuổi trẻ yêu nước nói riêng, tất cả thanh
niên Việt Nam nói chung, chính họ sẽ là những người đi viết lại một
trang sử mới, một trang sử hào hùng không chất chứa hận thù, vì hận thù
chính là sự ngăn cách ngấm ngầm để đi đến những cuộc nội chiến vô bổ mà
Cha Ông đã vấp phải, hãy để cho trang sử mới được viết lên bằng yêu
thương, và trong đó chỉ có Hồn Người Việt Máu Đỏ Da Vàng. VIỆT NAM MUÔN
NĂM.
Paris Tháng 5- 2013
Hạt sương khuya
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire