lundi 14 novembre 2022

Nghĩa tử là nghĩa tận: Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa - Nguyễn Ngọc Chính

Sài Gòn xưa có xa lộ Biên Hòa là con đường huyết mạch nối liền Sài Gòn với Biên Hoà. Đây là xa lộ đầu tiên tại miền Nam do Hoa Kỳ xây dựng năm 1959 và khánh thành năm 1961. Hãng thầu phụ trách xây dựng xa lộ là RMK-BRJ của Mỹ, họ áp dụng công nghệ tân tiến của thời đó là đổ bê-tông toàn bộ con đường.
Xa lộ Biên Hòa dài 31km, rộng 21m, bắt đầu từ cầu Phan Thanh Giản (nay là cầu Điện Biên Phủ) và kết thúc tại ngã tư Tam Hiệp, Biên Hoà. Khi người Mỹ xây dựng, họ cũng tính đến trường hợp khẩn cấp, xa lộ có thể sử dụng làm phi đạo dã chiến cho các loại phi cơ quân sự. Tuy nhiên, từ năm 1971 xa lộ được xây vách ngăn giữa tim đường phân đôi xa lộ thành 2 chiều riêng biệt.

Xa lộ Biên Hòa
(Tổng thống Ngô Đình Diệm khánh thành ngày 28/4/1961)

Tuy nhiên, chủ đề của bài viết này không nói về xa lộ Biên Hòa mà là Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa nằm phía trái dọc theo xa lộ nếu đi từ Sài Gòn. Ngày nay, nếu có dịp viếng nghĩa trang này, người Sài Gòn không khỏi chạnh lòng trước cảnh điêu tàn, đổ nát của những nấm mồ hoang phế tại đây.  

Được thành lập từ năm 1965 với quy hoạch 30.000 mộ phần, Nghĩa trang Quân đội tính đến năm 1975, đã là nơi an nghỉ của khoảng 16.000 tử sĩ. Trong số đó có hơn 10.000 quân nhân tử trận trong hai chiến trường đẫm máu nhất: Tết Mậu Thân năm 1968 và Mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Dù sao đi nữa, xét về khía cạnh nhân bản, những người sống vẫn còn được an ủi là nghĩa trang chỉ mới đạt một nửa công suất thiết kế. Nếu 30.000 mộ được lấp kín, niềm đau thương sẽ tăng gấp đôi khi cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Tuy nhiên, xét về mặt chính trị, sự hoang phế của Nghĩa trang Quân đội ngày nay nằm ở trách nhiệm của chính quyền mới. Ông cha ta đã có câu nghĩa tử là nghĩa tận. Dù tử sĩ trước khi nằm xuống có khoác áo quân đội miền Nam hay miền Bắc thì họ vẫn là người Việt.

Năm 1964, nghĩa trang Quân đội ở Gò Vấp trở nên chật hẹp, không gánh vác được hậu quả của chiến tranh khi những người lính tử trận được đưa về ngày một nhiều. Cuộc chiến vẫn tiếp tục leo thang, phần lớn sĩ quan thuộc khu vực thủ đô đều được chôn tại nghĩa trang Mạc Ðĩnh Chi. Ở Mạc Đĩnh Chi, đất cũng bắt đầu khan hiếm và việc chôn cất ngày một tốn kém hơn.

Bình đẳng trong thế giới người chết:
Mộ Thiếu tá nằm cạnh Trung Sĩ tại Nghĩa trang Quân đội Gò Vấp

Từ những lý do đó, người ta nghĩ đến một nghĩa trang rộng lớn hơn. Ðơn vị Chung sự, chuyên lo hậu sự cho những chiến sĩ đã nằm xuống, cũng có nhu cầu về cơ sở để hoạt động. Kiến nghị được trình lên cấp trên, thông qua hệ thống Cục quân nhu, Tổng tham mưu, Tổng cục Tiếp vận. Các sĩ quan Quân nhu, Công binh, Ðịa ốc Tổng tham mưu đã phải bay trực thăng trên không phận Thủ Ðức, Bình Dương, Biên Hòa, nghiên cứu địa thế thật đẹp dành làm nơi an nghỉ cho các chiến hữu.

 

Đầu năm 1965, Liên đoàn 30 Công binh Kiến tạo đóng tại Hóc Môn đảm nhận công tác xây dựng và những chiếc xe ủi đất đầu tiên của Tiểu đoàn 54 Công binh bắt đầu hoạt động. Năm 1966, doanh trại của Liên đội Chung sự và khu nhà xác được xây dựng để tiếp nhận những di hài tử sĩ đầu tiên. Công binh tiếp tục làm đường, phân lô, xây Cổng Tam Quan, dựng Ðền Liệt Sĩ, đúc các tấm ciment và làm mộ bia.

Nghĩa trang Quân đội được xây dựng theo mô hình của một con ong. Đầu ong hướng về phía xa lộ Biên Hòa với mũi kim là con đường đâm ra xa lộ. Từ Cổng Tam Quan hai con đường dẫn lên Nghĩa Dũng Ðài cao 43m. Ðầu ong là đền thờ chiến sĩ, cũng có lúc gọi là Ðền Tử Sĩ hay Ðền Liệt Sĩ. Phía dưới chân đền là Cổng Tam Quan nối thẳng một đường dài ra xa lộ. Con đường này làm thành cây kim nhọn của con ong và đầu kim là bức tượng Thương Tiếc ngay bên xa lộ.

Không ảnh Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa

Bức tượng Thương Tiếc là hình ảnh người lính ngồi nghỉ chân trên bệ đá, súng để ngang đùi, nét mặt buồn bã. Tác giả pho tượng đồng đen này là nhà điêu khắc Nguyễn Thanh Thu, ông đã chọn người mẫu là một hạ sĩ quan thuộc binh chủng nhảy dù.
  
Người ta kể rằng vào những buổi chiều mờ sương, anh lính rời bệ đá, đi lững thững xuống con suối gần đó để uống nước. Còn có rất nhiều huyền thoại về bức tượng Thương Tiếc. Sau ngày 30/4/1975, tượng Thương Tiếc đã bị phá sập. Người ta nói anh lính đã chui vào lò nấu kim loại tái sinh… và như thế đã được đầu thai sang kiếp khác.

Số phận của Thương Tiếc sau năm 1975

Từ chân Nghĩa dũng đài, lưng ong chia làm hình nan quạt hướng ra 4 phía và tạo thành một lưới nhện. Phần đuôi ong hẹp, phần dưới dài ra như quả trứng. Các ngôi mộ giống nhau chia thành từng khu. Khu quốc gia dành cho các vị lãnh đạo, khu tướng lãnh, khu cấp tá, cấp úy và binh sĩ.

Quân nhu nhận tử sĩ từ mặt trận được đưa về bất kể ngày đêm để chôn cất, trong đó có những người lính tham gia các trận Mậu Thân 68, trận Mùa Hè 72, trận Hạ Lào, trận Cambodia. Tử sĩ của các đơn vị tổng trừ bị đem về từ 4 quân khu bên cạnh các tử sĩ thuộc quân khu thủ đô và các tiểu khu lân cận. Tử sĩ của các quân chủng, nữ quân nhân, thiếu sinh quân, tất cả đều nằm trong lòng đất Biên Hòa.

Tử sĩ chôn từ trung tâm Nghĩa Dũng Ðài lần lượt tỏa ra các khu bên ngoài. Ðã có trên 10 tướng lãnh nằm tại nghĩa trang Biên Hòa trong đó có cả các vị đại tá được vinh thăng sau khi tử trận. Người có cấp bậc cao cấp nhất được chôn tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa là cố Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí. Hiện nay ngôi mộ này đã được gia đình cải táng nhưng tại vị trí cũ vẫn còn dấu tích.

Trên đường vào nghĩa trang, đi theo con đường chánh xuyên tâm, lên dốc cao, phải qua Cổng Tam Quan, một công trình xây cất giản dị nhưng bề thế và chân phương. Giữa cảnh hoang tàn rêu phong hiện nay, Cổng Tam Quan vẫn giữ được đường nét vững vàng và gần như còn nguyên vẹn dù cỏ mọc, rêu phong.

Cổng Tam Quan ngày nay

Qua Cổng Tam Quan là con đường dẫn đến ngôi Ðền Tử Sĩ trên một ngọn đồi nhỏ có 4 lối dẫn lên từ bốn phía. Ðây là nơi để linh cữu trước khi chôn cất. Ðây cũng là nơi Tổng thống, Thủ tướng hay các giới chức cao cấp trong chính quyền chủ tọa các buổi lễ chiêu hồn tử sĩ.

Tháng 3/1975, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm lên thăm nghĩa trang và làm lễ đặt vòng hoa. Không ai có thể nghĩ đây là lần viếng sau cùng của một viên chức cao cấp sau biến cố tháng 4.

Đền Tử Sĩ (1969)

Nghĩa trang có các toán quân danh dự canh gác theo lễ nghi quân cách tại Vành Khăn Tang của Nghĩa Dũng Ðài. Quân nhân từ các quân binh chủng mặc sắc phục được điều động về theo đơn xin khi họ có đủ điều kiện. Với vóc dáng trẻ trung, khỏe mạnh, cao lớn, đoàn quân này được huấn luyện để canh gác và biểu diễn các thao tác nghi lễ như các đoàn quân danh dự tại nghĩa trang Arlington, Hoa Kỳ.

Sau Ðền Tử Sĩ, phải đi một đoạn rất dài mới đến đỉnh một dải đất cao, chính giữa trung tâm là Nghĩa Dũng Ðài. Ðây là công trình quan trọng nhất mà Công binh Việt Nam đã thực hiện từ tháng 11/1967.

Trên nền đất phẳng, Công binh đổ 10,000m3 đất làm thành một ngọn đồi nhân tạo trong gần hai tháng. Trên ngọn đồi nhỏ này, Công binh xây bệ tròn, chính giữa là ngọn kiếm hướng mũi lên trời. Cây kiếm có thân bốn cánh hình chữ thập cao 43m. Chân của chữ thập đường kính 6,5m và trên mũi nhọn là 3,5m, có bậc thang để leo lên đỉnh và đứng trên này sẽ nhìn thấy thành phố Sài Gòn.

Nghĩa Dũng Đài chụp năm 2000

Nếu không có biến cố năm 1975, Nghĩa trang Quân đội khi hoàn chỉnh sẽ là Nghĩa trang Quốc gia. Đây sẽ là nơi an nghỉ của không riêng gì tướng lãnh, sĩ quan và binh sĩ mà còn là nơi chôn cất các thành viên chính phủ thuộc các ngành hành pháp, lập pháp và tư pháp.

Công trình xây dựng nghĩa trang do điêu khắc gia Lê Văn Mậu phụ trách, được dự kiến bước vào giai đoạn 2, kéo dài 6 năm, với ngân khoảng 100 triệu, tiền VNCH năm 1973. Bức tượng Thương tiếc, Cổng Tam QuanĐền Tử Sĩ đã hoàn tất trước năm 1970. Nghĩa Dũng Đài với ngọn tháp cao cũng đã làm xong, Vành Khăn Tang vĩ đại chung quanh đang gần đến giai đoạn khánh thành vào ngày Quân Lực 19/6/1975 thì biến cố tháng 4/1975 ập đến.

Không biết đây là cảnh ‘bình minh’ hay ‘hoàng hôn’
của bức tượng Thương Tiếc?

Trong thập niên 1990, những người tù cải tạo rời khỏi Việt Nam để đi định cư tại Mỹ. Khi họ trở về thăm quê hương, không ít người, bằng cách này hay cách khác, đã trở lại Nghĩa trang Quân đội để viếng các chiến hữu đã nằm xuống tại quê nhà.

Năm 1994, cơ quan IRCC, Inc. đã cử người về thăm lại Nghĩa Trang Quân Đội và ghi nhận phần lớn mộ phần còn tồn tại nhưng đang trong tình trạng hoang phế. Cuối năm 1997, chương trình tảo mộ hàng năm được bắt đầu thực hiện dưới hình thức thân hữu gia đình và làm từng toán nhỏ để tránh sự dòm ngó của chính quyền. Ngoài ra, anh em thương phế binh Sài Gòn cũng được hỗ trợ tiền bạc từ bên ngoài để âm thầm chăm lo cho những ngôi mộ vô chủ.

Thế giới đã có không ít những bài học về tinh thần hòa giải dân tộc qua những giai đoạn lịch sử khác nhau. Hoa Kỳ đã trải qua thời nội chiến phân tranh khốc liệt giữa hai miền Nam-Bắc, kéo dài từ năm 1861 đến năm 1863.

Khi cuộc nội chiến kết thúc, tử sĩ của cả hai miền đều được an nghỉ bên nhau tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington ở thủ đô Washington DC. Mỗi năm có gần 4 triệu người Mỹ đến viếng Arlington với lòng thành kính biết ơn những người đã nằm xuống cho đất nước đứng lên. Họ hoàn toàn không phân biệt liệt sĩ là người của quân đội miền Nam hay miền Bắc.

Bên mộ Tổng thống Kennedy, Nghĩa trang Arlington 
(hình chụp năm 1971)

Năm 1863, Tổng thống Mỹ Abraham Lincohn đã khánh thành nghĩa trang Quốc gia với lý do thật giản dị, “tất cả những người chết đều là đồng bào”. Ông Lincoln tuyên bố trong diễn văn khánh thành nghĩa trang ngày 19/9/1863: “Tại đây chúng ta đoan quyết rằng cái chết không bao giờ là vô ích – rằng, dân tộc này, nhờ ơn Chúa, sẽ có sự hồi sinh mới của tự do – rằng một Chính phủ của nhân dân, do nhân dân và vì dân sẽ không thể bị phá hủy trên trái đất này”.

Cuộc nội chiến kết thúc, 20 vạn tù binh miền Nam được thả về nhà mà không cần cải tạo và cũng không có lễ ăn mừng chiến thắng. Lý do, một lần nữa cũng dễ hiểu, “những người bại trận cũng là đồng bào”.

Lớp hậu duệ của những người Đức đã bỏ mình trong những trận mưa pháo của hạm đội Hoa Kỳ và Anh Quốc cùng con cháu những chiến binh Anh-Pháp-Mỹ đã gục ngã trước họng súng đại liên của Đức quốc xã trong ngày đổ bộ lên bãi biển Normandy (6/6/1944) hồi Đệ nhị thế chiến… ngày nay đều cùng quay trở về thăm mộ bia của cha ông đến từ cả hai chiến tuyến.

Tại Trung Hoa, Nghĩa trang Hoàng Hoa Cương của quân đội Tưởng Giới Thạch – trong đó có cả mộ phần của liệt sĩ chống Pháp Phạm Hồng Thái đến từ Việt Nam – vẫn được chính phủ Hoa Lục trùng tu và chăm sóc cẩn thận. Ngày nay nghĩa trang này đã trở thành di tích lịch sử, thu hút một lượng khách du lịch đông đảo. Họ có thể là những người đến tham quan thắng cảnh và cũng có thể là hậu duệ của những tử sĩ đã nằm xuống tại đây.

Mộ Phạm Hồng Thái trong nghĩa trang Hoàng Hoa Cương

Tại Việt Nam, biết bao gia đình có con em phục vụ dưới hai mầu áo khác nhau nhưng mẹ Việt Nam vẫn không hề phân biệt trong những dịp cúng giỗ. Tình cảm thiêng liêng đó đã có từ trước 1975 và tiếp tục duy trì sau ngày Sài Gòn mất tên. Sao chúng ta không mở lòng như người mẹ bình thường đã và đang làm?

Người mẹ bên nấm mộ mới chôn (1972)

Nghĩa tử là nghĩa tận. Tại sao chúng ta không làm được như những dân tộc khác đã làm? Đối với những người còn sống, chúng ta vẫn có thể phân biệt chính kiến nhưng đối với người đã chết, liệu sự phân biệt đối xử đó có hợp với đạo lý muôn đời của người Việt hay không?

Học sinh trường Quốc Gia Nghĩa Tử tham dự lễ Quốc Khánh 1/11/1969
tại Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire