Những ngày sau 30 tháng Tư, 1975 chắc chắn là những ngày kinh hoàng nhất cho rất nhiều gia đình tại miền Nam Việt Nam. Nhưng đối với một số người, những ngày ấy kéo dài tưởng như vô tận, đến mười mấy năm, mà mỗi ngày là một thế kỷ của nhọc nhằn và mỗi đêm là một trường canh của kinh sợ.
Cái giai đoạn lịch sử ấy – tuy man rợ và đầy tang thương – nhưng vẫn là một di sản được những người trong cuộc ôm ấp và gìn giữ.
Bởi vì, cái lịch sử ấy
chính là một dấu chứng cho niềm tin vào điều thiện và sự vượt qua của
những ai còn sống sót sau kinh nghiệm hỏa lò. Đó có lẽ là lý do mà khi
đến Mỹ, Cựu thiếu tá Thiên Nga Nguyễn Thanh Thủy đã mang theo 3 vật rất
quan trọng đối với mình. Một đôi găng tay may từ vải vụn, bà đã dùng
trong thời gian 13 năm tù cải tạo. Hai chiếc áo tù – một bằng vải thô,
và một bằng len, do chính bà đan lại từ hai chiếc áo lạnh cũ đã chật của
hai con gái, do mẹ bà gửi vào. Và một cơ thể đã bị phá hủy, thương tật.
Nhưng bà cũng mang theo một gia tài
quan trọng hơn cả những vật chứng này – một gia tài không ai có thể tịch
thu, đấu tố, hay phá hủy: một ý chí để sống, một nghị lực phục vụ gia
đình và xã hội, và một niềm tin mãnh liệt vào Chúa. Chính gia tài này đã
là cứu cánh cho bà trong suốt 13 năm tù, và quãng đời sau đó.
Trên hai chiếc áo tù đó, số tù –
cũng là 'nhân diện' của bà trong mười ba năm khổ sai – đã bắt đầu phai
nhạt theo năm tháng. Nhưng những đau đớn về tinh thần lẫn thể xác vẫn
còn hằn sâu. Có lẽ những thế hệ một và một rưỡi còn nhớ và biết cái bi
kịch hỏa lò tại Việt Nam, nhưng thế giới và những thế hệ Việt ngoại biên
vẫn cần một văn khố chính thức về bi kịch này.
Điều quan trọng là chúng ta không để
cho những sự thật về bi kịch này phai nhạt – như những số tù trên áo
những người tù khổ sai năm nào. Chúng ta cần ghi lại những đau thương –
không vì hận thù – nhưng vì để đấu tranh cho Công lý, Hòa bình, Tự do,
Bác ái. Đến bao giờ, người Việt hải ngoại mới có một tác phẩm như Quần
Đảo Ngục Tù của Aleksandr Solzhenitsyn, người đoạt giải Nobel Văn Chương
1970 với những tác phẩm vạch trần cái hỏa lò của Cộng Sản Xô Viết?
Những quần đảo ngục tù vẫn còn hoành hành trên cơ thể của nhiều con dân
Việt và ngay trên đất Việt qua những hậu quả khốc liệt của nó. Đến bao
giờ chúng ta mới có một Solzhenitzyn của Việt Nam? Vì nếu những đau
thương này đã đến từ bất công, thì
chúng cũng là một mối đe dọa cho con người ở tất cả mọi nơi – như nhà
tranh đấu dân quyền Martin Luther King đã nói, "Bất công ở bất cứ nơi
nào là bất công ở khắp mọi nơi." Xã hội con người không tách rời nhau
bởi biên giới hay ngôn ngữ, mà cộng thông trong lý tưởng công bằng, bác
ái, và dân chủ.
Chiếc áo tù ngày nào, tuy nay không còn
ấm lạnh trên người Nguyễn Thanh Thủy nữa, nhưng kinh nghiệm mười ba năm
tù khổ sai là một chiếc áo đầy gai, vẫn châm chích và làm đau đớn tâm
hồn và thể xác bà. Hai mươi bốn năm sau khi ra khỏi trại tù, bà vẫn còn
oằn oại trong những bệnh tật do giai đoạn oan nghiệt này tạo ra, và
những kinh hoàng của bốn tháng biệt giam vẫn bám riết tâm trí bà. Chúng
ta thử cùng bà ngồi trước màn ảnh của quá khứ, chứng kiến lại những điều
mà trước nay bà chưa nói được với ai, vì nó quá kinh hoàng và khó khăn
để thuật lại.
Nguyễn Thanh Thủy nhớ lại, “Vài hôm sau ngày 30 tháng Tư,
1975, tôi bị gọi đến nơi làm việc của Ủy Ban Quân Quản của chế độ Cách
Mạng (tức Văn Phòng Khối Đặc Biệt, đường Cộng Hòa cũ) để hỏi cung từ 8
giờ sáng đến 4 giờ chiều. Cán Bộ Cộng Sản cho biết, lẽ ra giam cầm tôi
luôn, nhưng vì các con tôi còn quá nhỏ, nên mỗi ngày tôi đến đây làm
việc rồi về. Họ cho tôi xấp giấy, cây viết, và muốn tôi viết lại quá
trình hoạt động. Mỗi ngày tôi chỉ viết lý lịch của mình, rồi tôi nộp,
nhưng họ không bằng lòng. Tôi có cho họ biết là tôi không nhớ gì cả, và
yêu cầu họ cho tôi thời gian để tập trung trí nhớ. Sau đó, họ giúp tôi
bằng cách dẫn tôi đi vòng quanh khối Đặc Biệt, vào những phòng làm việc
của Khối để nhìn từng
nơi xem thấy cái gì còn, cái gì mất. Tôi chú ý đến Văn phòng của Trưởng
Cơ Quan E4, nơi còn những bản sơ đồ vẽ hệ thống hoạt động, những bản
thuyết trình có ám danh công tác, bí số nhân viên, nhưng không có tên
tuổi thật. Tôi nghĩ trong đầu một kế hoạch để đối phó với Cộng Sản khi
bị hỏi cung.”
Cô dâu Nguyễn Thanh Thủy và chú rể Lê
|
Nguyễn
Thanh Thủy không chỉ là một người tù cải tạo. Bà còn là vợ một người tù
cải tạo. Chồng bà, Cựu Đại Tá Võ Bị Lê Thành Long, cũng vào tù sau ngày
30 tháng Tư 1975. Ba người con nhỏ của ông bà được gửi gắm lại cho ông
bà Ngoại tại Mỹ Tho. Tuy nhiên, những cố gắng để kéo dài thời gian hỏi
cung của bà cũng không giúp bà được ở gần gia đình mãi. Đến 15 tháng
Sáu, 1975 thì bà bị tập trung vào tù cải tạo. Theo lời bà, thì “Tôi ở
chung trại với tù cải tạo nam, học tập chính trị ở hội trường, học quốc
ca của Cộng Sản và những bài hát đấu tranh chống Mỹ Ngụy, làm những bài
thu hoạch, phê và tự phê, kiểm điểm, nộp cho họ. Tất cả mọi người phục
vụ cho chế độ Việt Nam
Cộng Hòa đều có tội nhiều hoặc ít. Đó là cách luận tội của Cộng Sản.
Tôi vào trại tù cải tạo Long Thành, với một túi xách đeo vai, một chiếc
chiếu nhỏ cho một người nằm. Thiếu đủ mọi thứ. Tôi phải xuống hố rác
cạnh dãy nhà chúng tôi ở, để tìm chai, lọ, mấy tấm tôn để đựng nước,
đựng cơm, thức ăn… Nước chỉ đủ uống, không đủ tắm. Trời tháng sáu mưa
dầm dề. Chờ trời mưa, tôi gội đầu tắm giặt nhờ những dòng nước mưa chảy
theo mái nhà.”
Trong suốt thời gian bị giam một mình,
bà đã canh cánh sợ bị bọn võ trang muốn làm hỗn nên không bao giờ dám
chợp mắt, đã nơm nớp khiếp sợ mỗi đêm khi cai ngục lẻng kẻng xâu chìa
khóa đâu đó giữa rợn rùng thăm thẳm tối. “Vì đêm trước có ai bị đưa đi,
thì sáng hôm sau coi như mất tích,” bà nói. Hơn nữa, phương tiện vệ sinh
căn bản nhất cũng không có. Bà hồi tưởng, “Nói đến nơi tiểu tiện bằng
những cầu dã chiến ngoài trời, mưa dầm là nó lầy lội, và những con vòi
trắng lềnh bềnh mà nữ thì làm sao dám ngồi để tiểu tiện, nên tôi đành
nín, nhịn khát, đợi tối mới ra cái nhà tắm che bằng bốn vách lá, đi xong
cho vào hố rác. Nhớ tới cảnh này, tôi luôn rùng mình, sao tôi chịu nổi
dơ bẩn như thế.”
Bà nói tiếp, “Đầu tháng 10 năm 1975, tôi bị chuyển về trại giam Thủ
Đức (tức 16NV). Chỉ có một người nữ bị chuyển là tôi. Tôi ở một mình
trong phòng giam và bắt đầu các cán bộ thẩm vấn, điều tra từ trung ương
đến. Tôi bị kêu lên đêm có, ngày có, bị hỏi liên tục, hỏi xong rồi bắt
viết, thu bài. Những tháng ngày này, đầu óc tôi quá căng thẳng. Cả đêm
không buồn ngủ, tựa lưng vào vách tường, kê túi quần áo và gối nằm để
làm điểm tựa viết bài họ điều tra.”
Bà nhớ lại, “Tôi phải cải tạo khổ sai ở đây nhiều năm, không
đủ vệ sinh và thiếu thốn. Ăn thì độn khoai mì có vỏ đỏ quấy, gọi bột
ngàng phệt, hột bo bo, mì sợi luộc có cả con chuột chết vớt ra bỏ đi,
lại tiếp tục chia mì sợi cho người một phần để ăn, không thì đói. Cả
ngày cuốc xới mỏi mệt, tối đến vào phòng ngủ gần người lao phổi (xuất
huyết phổi tới thời kỳ chót), bệnh giang mai thời kỳ thứ ba, phổ có nước
thời kỳ chót. Tôi phải sống chung với họ cho tới khi họ được tha, và
không bao lâu thì họ chết. Tôi phải may những nệm ngồi bằng vải vụn
riêng để tránh lây nhiễm. Lúc ngủ, các bạn khỏe xếp gần nhau, chừa một
chiếu cách người bệnh, xây đầu khác hướng với người bệnh và xây lưng về
phía người
bệnh để tránh lây nhiễm.”
Vì Nguyễn Thanh Thủy đã giữ một vai trò khá quan trọng khi
phục vụ dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, bà đặc biệt bị quản lý nghiêm
ngặt và tra khảo liên tục, làm bà chóng mặt, căng thẳng đến ngã bệnh.
Cán bộ không bao giờ rời mắt khỏi bà, ngay cả về đêm. Bà kể, “Tôi là
người tù bị chỉ định nằm ngay cửa ra vào hoặc ngay cửa sổ phòng tù để họ
dễ kiểm soát hành vi về đêm của tôi. Cửa sổ tù không bao giờ có cửa để
đóng lại, nên rất lạnh. Đêm đêm đói bụng quá, các bạn tù kể món ăn này,
món ăn kia cho đỡ thèm đỡ đói. Nhớ chồng con kể chuyện hạnh phúc ngày
nào thì có bà lên tiếng, kêu đừng kể nữa, vì rờ hai bên toàn chiếu
không. Tới ngày thăm nuôi được gặp thân nhân gia đình, là lúc lấy dạ dày
an ủi trái
tim.”
Trong hoàn cảnh lao tù khổ sai, người nữ tù chịu nhiều khó
khăn và khổ sở hơn người tù nam, nhất là về phần vệ sinh hằng tháng, và
sự an toàn bản thân. Không chỉ những nữ tù cải tạo mới bị dòm ngó và hãm
hiếp, mà những phụ nữ bị bắt vì vượt biên cũng bị lính gác bạo hành về
tình dục. Sự căng thẳng của người tù nữ, vì vậy, cao gấp nhiều lần so
với bạn tù nam. Bà lại kể, “Trại giam có nước máy, nên vệ sinh cá nhân
cũng đỡ, nhưng vấn đề phụ nữ hằng tháng, không có băng giấy, tôi phải
dùng quần áo cũ xé ra để lót, rồi giặt không xà phòng (vì không được
thăm nuôi). Ăn uống, mỗi buổi sáng được một ly nước nóng, trưa một phần
khoai độn, buổi chiều nửa chén cơm, một chút rau muống luộc với nước
muối. Lễ lớn
có một miếng thịt bằng ngón tay. Hơn một năm, một số tù cải tạo chuyển
đi Bắc, một số tù cải tạo ở nơi khác chuyển tới, lúc đó mới có một số
chị em phụ nữ ở trại Long Giao, trại giam Chí Hòa, Phan Đăng Lưu tới. Đa
số là tù phản động. Tôi mới thoát cảnh ở một mình mà sống tập thể với
bạn tù cũ, bạn tù mới. Tôi bắt đầu đi lao động, làm cỏ chung quanh trại
giam, và trồng rau muống.”
Cảnh lao động vất vả của trại tù, dù sao, cũng cho người tù
cơ hội được thấy ánh sáng mặt trời, mà không bị vây hãm gò bó giữa bốn
bức tường bức bối. Nhưng trồng rau bằng phân người và nước tiểu người là
những cực hình mà người tù phải gánh chịu, và ăn rau do chính mình
trồng nhưng không được rửa sạch làm cho người tù bị tiêu chải kinh niên.
Nhu cầu nha chu hay y tế căn bản cũng không được đáp ứng, nên bạn tù
phải mượn kềm của tù nam hình sự, khi họ về ăn cơm trưa trong một tiếng,
để nhổ răng cho nhau, khi răng đã hư quá nặng và không thể giữ được. Họ
phải cầm máu bằng nước muối, vừa rát, vừa đau.
Bà kể tiếp, “Hai năm sau, tức tới tháng Bảy, 1977, chúng tôi
chuyển lên trại tù cải tạo Căn Cứ 5 Rừng Lá, tức trại Z30D Hàm Tân,
Thuận Hải. Đã di chuyển xa, nên việc phải gặp chấp pháp ít hơn, vài ba
tháng một lần. Mà chủ yếu là lao động, cả đội mấy chục cô cầm cuốc, cầm
xẻng, thùng tưới nước, chia nhau công tác để làm. Mới đầu chẳng biết
cuốc, cả ngày trời cuốc một khoảng cỏ trước sân cơ quan mà thấy vẫn y
nguyên. Lần lần gánh tranh, trồng rau muống, khoai lang, củ cải. Rau
tưới bằng một lon nước tiểu pha một thùng nước suối, phân người bỏ dưới
rãnh, lấp đất, trồng rau lên.
Tôi yếu sức nên đứng múc nước tiểu, pha cho người khỏe trẻ
tưới. Cả ngày làm lao động mệt, chiều hết giờ chạy về bờ suối tắm 20
phút, vừa giặt giũ vừa tắm, không có quản giáo nữ canh gác. Cán bộ nam
và võ trang canh gác khi đội nữ tắm. Bọn cai tù nói, “Các chị cứ coi
chúng tôi như các chị, cứ thế mà tắm.” Thật là trơ trẽn. Chúng tôi cứ
nhúng cả người xuống nước rồi lên giống như vịt rỉa lông. Những ngày
mưa, nước suối đục ngầu, vẫn phải tắm, vì nước tiểu và phân dính cả
người. Tới mùa nước suối cạn, bọn Cộng Sản chuyển đội nữ về lại trại cải
tạo Long Thành. Nơi đây là trại hình sự, máy nước bị hư, không tiền sửa
chữa. Mỗi ngày phát một gô nước uống, một tuần lễ mới ra suối cạn tắm
một
lần, giặt giũ rồi xách nước về. Về tới trại rửa cát bụi đi đường là
thấy hết sô nước. Trại này trồng táo Thái Lan, dền, rau muống, cũng dùng
nước tiểu, phân người làm phân bón. Chỉ trồng táo mới tưới bằng phân
urê.”
Nhưng sau đó, bà bị chuyển trại, và bị đưa vào biệt giam hơn
một năm để hỏi cung. Đây là gian đoạn gian nan nhất trong thời gian mười
ba năm khổ sai của bà. Tuy nhiên, bà vẫn luôn giữ trong đầu một điểm
đến: cố sống sót, đối diện với nghịch cảnh, để có ngày đoàn tụ với con.
Bà ôn lại, “Ăn thiếu thốn, đói khát, bị vây quanh mấy tên cán bộ chấp
pháp, tôi muôn điên lên vì thần kinh quá căng thẳng. Tôi sẽ gặp đau
thương khi đối đầu với địch nên trước ngày cuối, để bảo mật, tôi đã hủy
hồ sơ của Biệt đội Thiên Nga. Tôi cũng được bọn Cộng Sản đưa đi xem các
văn phòng có liên hệ. Nhưng tôi vẫn lo lắng cho các nhân viên.
Bà mẹ Thanh Thủy và ba con thơ tại Mỹ Tho
Tôi muốn bảo toàn cho các bạn nữ đồng
khóa, các nhân viên, và cộng tác viên. Tôi tâm niệm trong lòng mỗi lần
phải gặp mặt cán bộ, tôi đều thầm nhủ đây là địch, đây là Việt Cộng, làm
cho tôi thêm nghị lực, bình tĩnh hơn, mạnh dạn hơn để trả lời. Tôi ở
biệt giam một mình hơn một năm, vì phải làm việc bằng đầu óc, trại giam
gọi là động não quá nhiều, ăn uống thiếu thốn, ngủ nền xi-măng, tôi bị
liệt một chân, phải lần vách. Tôi mới xin lau chùi quét dọn hành lang và
xin phơi nắng nửa giờ mỗi ngày trừ thứ Bảy và Chủ Nhật. Tôi tập giật
chân kinh và tự xoa nắn lấy chân bị liệt teo cơ do suy dinh dưỡng gây
ra. Tôi tự nhắn nhủ, không nhớ con nhiều nữa, phải rán chịu đựng mọi khó
khăn để có sức khỏe
trở về với con.”
Thời gian biệt giam này đã dài
như thế nào? Những chi tiết về gian đoạn này sẽ khiến nhiều người không
thể tưởng tượng ra được, bà Nguyễn Thanh Thủy đã làm thế nào để sống
sót. Bà nói, “Tháng 4 năm 1981, tôi bị đưa từ trại tù cải tạo Long Thành
về trại tù biệt giam X4 (Bộ Công An Cộng Sản đường Võ Tánh, Sàigòn).
Tôi ở xà lim, chung quanh tối om, ngoài một bóng đèn điện cho cả dãy xà
lim, mỗi xà lim có một khoảng trống bằng một cục gạch trên sát trần nhà
để thở. Trời tháng Tư ở Việt Nam, nóng bức, mồ hôi chảy như tắm, quần áo
vo cao cho bớt nóng. Tuần lễ đầu tiên tôi bị xỉu, thiếu dinh dưỡng,
thời tiết quá nóng. Cán bộ trại giam phát hiện do người ở cạnh xà lim
đập tường hỏi thăm sức khỏe,
không thấy tôi trả lời, họ đập tường gọi cán bộ cấp cứu. Sau lần cứu
tôi tỉnh dậy, trại giam đưa một lọ thuốc tim nhỏ giọt để khi mệt nhỏ vào
miệng và gọi cấp cứu.
Về ăn uống, sáng để gô ra, họ cho
một gô nước nóng. Trưa và chiều để ít cơm trong cái thau và một chén
canh ngoài song sắt xà lim, rồi tự mình mang cơm canh qua song sắt để
ăn. Phải kiếm thế nghiêng thật nhanh, mang tất cả cơm canh vào. Vì không
có muỗng, nên phải ăn bốc bằng tay.
Lúc mới tới, Cán Bộ chấp pháp cho
biết tôi sẽ được ăn tiêu chuẩn quốc tế, dành cho người về làm việc,
ngày 3 lần: sáng, trưa, chiều. Nhưng tôi chưa bao giờ nhận được buổi ăn
nào như thế. Các tù nhân đi với Cán Bộ trại giam giao phần ăn không được
mặc áo, phải ở trần và bận quần xà lỏn (quần đùi), họ không được nói
bất cứ lời nào. Muốn hỏi gì, họ chỉ tay về phía Cán Bộ, người Cán Bộ mới
có quyền nói chuyện với tù nhân.
Về phần vệ sinh cá nhân, mỗi ngày
được tắm một lần, 20 phút. Tù không bao giờ gặp mặt nhau, cứ người này
tắm xong, mới mở cửa phòng khác cho tù ra tắm. Tiểu tiện đi vào thùng
sắt đựng đạn của Mỹ, cứ đi tắm mang ra đổ, rửa sạch dùng lại.
Đưa tôi về nơi này, bọn Cán Bộ
chấp pháp làm áp lực để tôi viết cam kết, với chồng hồ sơ thu thập được
của nhân viên Thiên nga, cấp chỉ huy, bạn bè để trước mặt, cho thời hạn
suy nghĩ là 3 ngày. Trên đường trở về xà lim, tôi nhờ chấp pháp trình
lại với lãnh đạo của họ, 6 năm tù cải tạo đủ để suy nghĩ, không cần thêm
3 ngày. Tôi trả lời: Không, không bao giờ.
Thế là tiêu chuẩn ăn hàng ngày bị
giảm đến mức tối thiểu, chỉ còn một chút cơm với vài hột muối hột. Thời
gian này, bệnh nặng không được chữa, có lần ói từ nửa đêm đến sáng. Khi
họ kiểm tra thấy nằm ói toàn mật xanh, Bs y tá tới, cho thuốc uống liền
tại chỗ. Người y tá đưa thuốcd nói thật nhanh, thật khẽ, “Đừng uống.”
Tôi vội nắm chặt thuốc trong lòng bàn tay, đưa tay giống như bỏ thuốc
vào miệng và vội vàng uống nước. Sau này, tôi gặp người y tá đó khi khám
sức khỏe đi Mỹ tại Bv Cảnh Sát. Người ấy mới kể, trước là y tá Bv Cảnh
Sát Quốc Gia VNCH, có thân nhân liệt sĩ, nên được giữ làm lại, biết tôi
và tránh cho tôi bị thuốc.
Họ giữ tôi tại cơ quan X4 bốn
tháng nhưng không khai thác được gì. Bọn chấp pháp đem cán bộ nữ ra dụ
dỗ vì thương con tôi, mới khuyên tôi cam kết để tha về. Tôi khẳng định
tôi về khi nào có chính sách của lãnh đạo nước, chứ về riêng lẻ không
bao giờ có. Thấy tôi kiên quyết không khai, bọn chấp pháp biểu tôi đứng
xa họ ba thước, nghe đọc lệnh án. Lệnh án có nội dung như sau: Do quyết
định ngày… tháng… năm, Tên Nguyễn Thanh Thủy có thái độ ngoan cố không
chấp hành cải tạo lao động nên tuyên án tập trung cải tạo tiếp 3 năm và
quyết định có hiệu lực vô thời hạn.
Hai chân tôi bị nhốt ở xà lim,
nên bị liệt không đi nổi. Trở lại xà lim, lấy quần áo chiếu mền theo họ
chở về trại tù cải tạo Long Thành. Trước khi lên xe, họ đưa cái giỏ nhỏ
nói là quà gia đình gửi. Sau này gặp chồng tôi, anh kể mấy ngày trước
khi tôi trở lại trại cải tạo Long Thành, họ đưa một miếng giấy có chữ
viết của tôi, vỏn vẹn, “Thăm anh và các con. Em vẫn khỏe mạnh.” Xong họ
dặn chồng tôi mua cho tôi ít quà khô. Họ biểu đem đến cổng. Anh không
biết chỗ, hỏi thăm gác cổng, họ bắt anh nhốt cho tới tối mới thả anh ra.
Sáng hôm sau là tôi chuyển trại.
Họ phải xách tất cả một xách quần áo, sô đựng vài thứ linh tinh, một giỏ
thức ăn. Vì tôi đi không nổi, mặt mày xanh xao, không ánh nắng mặt trời
bốn tháng, màu da vàng của người VN rất đúng không sai tí nào. Nói đến
hình phạt kỹ luật cho nữ, cái nhà kỹ luật là nhà có 2 lớp, giống như cái
hộp có hai lớp, một lớp là phòng giam nóc bằng, cách khoảng chừng 1
thước, lớp ngoài cũng xi măng cốt sắt.
Mỗi phòng giam kỷ luật có một cái
bệ. Cuối bệ có cây sắt thông ra ngoài để khóa bằng ống khóa sắt. Trên
cây sắt có những cái cùm. Cái bệ xi măng có một cái lỗ để thùng đạn của
Mỹ. Thùng trống không, làm chỗ tiểu tiện. Đặc biệt là kể từ ngày vào
phòng giam kỹ luật cho đến ngày ra không được tắm. Khôn được tắm từ 1
tuần cho tới 3 tháng, 6 tháng, hay cả năm, chỉ những ngày kinh nguyệt
phụ nữ mới được 40 phút thay quần áo.
Tùy theo hình thức phạt, đa số
hai chân đều phải cùm lại, hỏng trên cái bệ, nên rất đau đớn vì tê chân
và sét ăn vào cườm chân. Muỗi đốt suốt ngày đêm, bóng tối cả ngày đêm…
Những hình thức này tôi đều trải qua, hằn sâu trong da thịt tôi.”
Chính thời gian biệt giam này đã
gây ra nhiều tổn thương trên thân thể bà nhất, từ việc bị bại liệt một
bên người, phong thấp, các chứng bệnh đường ruột và tiêu hóa, cho đến sự
căng thẳng đầu óc đến cao độ. Từ việc bị giam trong phòng tối cả ngày
lẫn đêm, cho đến việc bị điều tra hỏi cung 24/24, cho đến việc bà bị
trừng phạt không cho ăn uống, chỉ có chút nước và ít muối hột, hay bị
phạt không được tắm, những ngày có kinh nguyệt bà cũng chỉ được 40 phút
thay quần áo rồi bị cùm lại – tất cả đã khiến bà rụng gần hết răng và cơ
thể bà hoàn toàn kiệt sức, không đứng được.
Tại Mỹ với vật chứng nhà tù mang theo. (hình phóng sự: Benjamin Vũ)
Tôi thắc mắc, sau những đằng đẵng đói
lạnh và lao động quá sức, không biết trong những lúc quá cùng cực và bị
bệnh thập tử nhất sinh, Nguyễn Thanh Thủy có bao giờ cảm thấy tuyệt vọng
không? Mười ba năm khổ sai đã cho bà nhiều kinh nghiệm đắt đỏ và một
cái nhìn thấu đáo về chế độ chính trị đang nắm quyền trên quê hương bà.
Và khi bà rời nhà tù nhỏ của trại Hàm Tân Z30, bà tiếp tục bị dồn bức
cho đến giây phút gia đình bà đứt ruột rời bỏ người thân và quê hương để
đi Mỹ qua diện H.O.
Bà
kiên trì, giữ vững tôn nghiêm của người lính, giữ tinh thần lạc quan.
Cho nên “Cả 13 năm tù, tôi không muốn kẻ địch thấy giọt nước mắt của
tôi. Nên khó tìm thấy nét buồn, cho tới ngày em tôi lên trại, báo tin Ba
tôi mất, tôi xỉu ngay tại phòng thăm nuôi và tôi rơi nước mắt.”
Nhưng
dù không biết tương lai mình ra sao, Nguyễn Thanh Thủy vẫn luôn nghĩ
đến người khác, những người bạn tù của bà. Chính vì nghĩ đến người khác,
nên ngay từ đầu, bà đã không khai những bí mật Thiên Nga khi bị hỏi
cung, mà mới bị trừng phạt nặng nề và chịu nhiều tổn hại về sức khỏe.
Đến những ngày cuối cùng, bà vẫn giúp các bạn tù, “Mấy năm trước ngày ra
trại, tôi làm đội trưởng kỹ thuật may, chỉ cho các em hình sự án cao
biết may gia công để đỡ cuốc đất trồng rau cực khổ trong thời gian thụ
án, sau có tay nghề may.”
Là
người nữ tù cuối cùng rời trại cải tạo vì bị cho là ngoan cố, Nguyễn
Thanh Thủy rời tù nhỏ, về tù lớn của xã hội Việt Nam hậu 1975, với hai
hàm răng đã rụng, nên các con không dám tới gần bà. Con gái bà bảo, “Kỳ
quá, Mẹ không có răng!”
Tôi
tự hỏi, đối với bà, đâu là nỗi đau lớn nhất trong 13 năm này: những đau
khổ về thân xác trong trại cải tạo, hay nỗi đau tình cảm phải chia lìa
với gia đình và con dại? Thời gian có xoa dịu được những nỗi đau này
không? Hay mất mát sẽ vĩnh viễn là mất mát?
Nguồn: Trang Đài Glassey – Trần Nguyễn/ hennhausaigon2015
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire