mardi 29 novembre 2022

Góp nhặt buồn vui thời cải tạo - Nguyễn Ngọc Chính

Người miền Nam có câu nói ám chỉ một sự việc xa vời, vô định, vô vọng và chìm sâu vào tuyệt vọng: “Mút chỉ cà tha”.

Những tưởng học tập cải tạo 10 ngày để rồi trở về với cuộc sống bình thường hàng ngày, ai ngờ đã qua 10 ngày mà vẫn thấy chưa học tập được một chữ nào! Thế cho nên chúng tôi bảo nhau: “Kiểu này học tập... mút chỉ cà tha!
Sau này tình cờ đọc Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (một nhà văn nữ ở miền cực Nam đất nước) tôi mới biết Mút Cà Tha là một địa danh có thật, ở tận miệt Cà Mau, nơi có những tên đượm sắc Nam bộ như Đầm Chim, Đầm Dơi, Chắc Băng, Cạnh Đền, Gành Hào, Năm Căn, U Minh, Trèm Trẹm và… Mút Cà Tha! Có lẽ cù lao Mút Cà Tha hàm ý nơi tận cùng của miền cực nam đất nước nên mới có thành ngữ “mút chỉ cà tha”, đi hoài không tới! Đối với người cải tạo cũng vậy, học hoài không về!

Sau buổi sáng ngày 30/4/1975, cuộc đời tôi hoàn toàn thay đổi. Đang từ một anh Trung úy giảng viên Anh ngữ, ngày ngày lái chiếc Honda SS50 đến trường Sinh ngữ Quân đội, tôi bỗng trở thành một người thất nghiệp với một tương lai vô định trước mắt. Nhưng thất nghiệp cũng không quan trọng bằng trạng thái tâm hồn bất ổn, lo sợ, không biết mai sau mình sẽ ra sao trước một ngã rẽ lịch sử: sự sụp đổ hoàn toàn, từ những mảnh đời riêng tư cho đến cả một vận nước.

Cảnh điêu tàn trong ngày cuối cùng 30/4/1975

Đối với người bị tập trung học tập cải tạo, có lẽ đây là thời kỳ u ám nhất trong cuộc đời. Không u ám sao được khi trước 1975, chúng tôi là những thanh niên tràn đầy sức sống, theo đuổi những mục đích và tham vọng riêng tư của tuổi trẻ nay bỗng trở thành những người sống trong trại tập trung. Chúng tôi sống trong thân phận tù đầy nhưng chính quyền mới đã luôn luôn khẳng định, đây không phải là nhà tù mà đây là nơi học tập cải tạo.

Ngày tàn cuộc chiến
(Ảnh do phóng viên Đại Hàn chụp)

Những người tù bình thường – dù có phạm tội cướp của, giết người – cũng có bản án để biết ngày được tự do. Ngược lại, những người cải tạo không bao giờ có được bản án để trông mong ngày về. Thay vào đó là châm ngôn được cán bộ quản giáo lập đi, lập lại: “Học tập tốt, lao động tốt, các anh sẽ được về sum họp với gia đình”. Có điều, tiêu chuẩn để đạt được những cái tốt đó chỉ lơ lửng ở phía trước, tựa như củ cà rốt treo trước mắt con thỏ trong một cuộc chạy đua dường như không bao giờ đến đích.

Ngày đi học tập, sĩ quan cấp úy và nhân viên ‘ngụy quyền’ đều tin tưởng chỉ kéo dài 10 ngày theo tinh thần thông báo của Ủy ban Quân quản: “… Đem lương khô đủ dùng trong thời gian 10 ngày…”. Trước đó, hạ sĩ quan chỉ học tập đúng 3 ngày theo lệnh của Ủy ban Quân quản và dĩ nhiên 10 ngày dành cho sĩ quan là cái giá hợp lý nhất phải trả trước khi trở về với cuộc sống bình thường.

"Thẻ trình diện" cấp cho hạ sĩ quan & binh sĩ sau khi học tập 3 ngày

Bác sĩ Nguyễn Phước Đại, Giám đốc Bệnh viện Sài Gòn trước năm 1975, có liên quan đến một giai thoại khá dí dỏm mà tôi nghe được qua bà xã, vốn là nhân viên của bệnh viện. Ông Đại là một bác sĩ giỏi, người gốc miền Nam, nhưng lại là dân ở Pháp về nên khi nghe thông báo đem ‘lương khô’ đủ dùng trong 10 ngày, ông hỏi lại nhân viên: “Tôi không ăn được ‘lươn khô’, đem những thứ khô khác như cá khô không biết có được không nhỉ?”. Tuy đầu óc đang căng thẳng vì lo cho chồng con nhưng đám nhân viên không khỏi phì cười vì sự nhầm lẫn giữa ‘lương khô’ và ‘lươn khô’ của ông bác sĩ từ bên Tây về.

Trình diện ngày 30/4/1975

Ngày bước lên xe Molotova để đến Trảng Lớn (Tây Ninh), tôi thoáng nghe hai anh cán binh ‘áp tải’ nói chuyện với nhau:

- Mấy anh ngụy này rắc rối quá, đã đi cải tạo mà còn mang vợ theo nữa!

Số là có mấy sĩ quan nữ quân nhân cũng trình diện nên bị hai anh cán binh trẻ tuổi hiểu lầm là vợ của người đi học tập. Lòng lúc đó đang chùng xuống nhưng khi nghe câu chuyện của kẻ cầm AK đi áp tải lại thấy buồn cười vì những sự ngộ nhận ngây thơ của những kẻ chiến thắng.

Tiếng là học tập nhưng chỉ có vài bài, học hoài mà vẫn chưa về! Các bài giảng của cán bộ quản giáo được truyền tải trên hội trường, có sức chứa hàng trăm… học trò. Đại khái như trong bài “Đế quốc Mỹ là kẻ thù của dân tộc”, quản giáo lên lớp: “Mỹ là nước tư bản bóc lột… ngay đến tổng thống của Mỹ là Pho [Gerald Ford] cũng là trùm tư bản có công ty ô tô nổi tiếng là… hãng  xe Pho (!)”.

Cán bộ quản giáo lên lớp

Nhìn chung, người cải tạo là những kẻ… lạc quan tếu. Khi ăn hết 10 ngày lương khô mà vẫn chưa thấy được về, người ta lại trông mong đến ngày Quốc khánh 2/9 chắc sẽ về. Lại mong đến Tết sẽ về nhưng có lẽ là… Tết Congo chứ không phải là Tết của ta. Đến khi đó, mọi lạc quan đều tắt ngấm để thay vào đó là ảo vọng “Học tập tốt, lao động tốt sẽ được về…”. 

Chúng tôi đón cái Tết đầu tiên trong tù mà nhiều người vẫn còn lạc quan khi nghĩ rằng đó là cái Tết duy nhất phải xa gia đình! Trước Tết có một biến cố lớn trong trại mà nhiều người lạc quan, vẫn còn lạc quan, nghĩ rằng có một số người may mắn được về sum họp với gia đình nhân ngày Tết.

Những người cải tạo được lệnh tập họp với tất cả đồ dùng cá nhân. Một thoáng ‘hồ hởi’ khi nghĩ rằng đã đến lúc… xả trại. Chúng tôi được chia thành hai nhóm theo danh sách đã có từ trước. Người nhóm nào cũng tự hỏi không biết nhóm của mình có phải là nhóm được về ăn Tết hay không.

Tôi thuộc nhóm ở lại Trảng Lớn. Nhóm rời trại, mãi sau này mới biết, họ lên xe trực chỉ Sài Gòn nhưng đó không phải là điểm đến cuối cùng. Họ được đưa đến bến tàu để tiếp tục cuộc hành trình ra đảo Phú Quốc! Hóa ra họ là những thành phần được xếp vào loại ‘ác ôn, có nợ máu với nhân dân’. Họ là những ‘thiên thần mũ đỏ’ (Nhảy dù), ‘lính thủy đánh bộ’ (Thủy quân lục chiến), ‘cọp 3 đầu rằn’ (Biệt động quân), ‘giặc lái’ (Phi công), ‘giặc nói’ (Chiến tranh chính trị)… 

Khi người Sài Gòn được bắt đầu thăm nuôi thân nhân tại trại cải tạo Trảng Lớn thì mọi hy vọng được về đều tan biến. Tôi đã có lần hỏi chuyện một ông cụ già đi thăm con về tình hình… ngoài đời. Qua lớp hàng rào kẽm gai ngăn cách giữ khu dành cho người cải tạo và con đường dẫn vào khu thăm nuôi, tôi hỏi vói:

- Bác ơi, Sài Gòn bây giờ ra sao hả bác?
- Sài Gòn bây giờ mấy tiệm bán mắt kính dẹp hết rồi… người nào người nấy sáng mắt lắm, đâu cần mang kính nữa cháu à…

Thật ý nhị. Câu chuyện thuộc loại ‘khôi hài đen’ ngắn gọn của ông cụ đã nói lên tất cả.

Sau bao thời điểm hy vọng ngày về, chúng tôi tập làm quen với ý tưởng “an tâm cải tạo”. Trước mắt, trại ra lệnh ‘cuốc đất trồng rau’ (nói theo cán bộ quản giáo là tăng gia sản xuất). trên những khu đất hoang xung quanh trại. Phải đến giai đoạn này mới thấy được ‘óc sáng tạo’ của các bạn đồng cảnh. Không có cuốc xẻng nhưng mọi người nghĩ ngay đến việc chế tác các dụng cụ nông nghiệp từ những đồ phế thải trong nhà kho của căn cứ Trảng Lớn.

Rau muống gieo bằng hột, trồng trên đất khô và được chăm sóc rất kỹ nên mọc cao như cây thân thảo, cao đến cả thước chứ không như rau muống mọc ngoài ruộng. Rau muống tốt một phần nhờ nước tiểu và phân xanh do chính chúng tôi sản xuất. Như vậy là đã hoàn thành một chu trình khép kín: ăn vào, thải ra, bón cây rồi lại tiếp tục ăn vào…

Trảng Lớn ngày xưa có một sân bay dã chiến L19 được lót bằng những tấm vỉ sắt. Chúng tôi gỡ những tấm PSB, mỗi tấm rất nặng, phải cần đến ít nhất 6 người khiêng mới có thể đem về trại dùng trong rất nhiều việc: lót quanh giếng để tắm rửa, làm phản để ngủ, thậm chí còn dùng để lót cầu tiêu tập thể trong đội.

May mắn cho những người cải tạo tại Trảng Lớn là chúng tôi được thừa hưởng và tận dụng những ‘tiện nghi tàn dư’ của quân đội VNCH còn rất nhiều trong căn cứ sư đoàn 25. Từ những mảnh tôn người ta có thể gò thành gàu múc nước, nồi nấu ăn… Từ những sợi bao cát người ta có thể xe thành sợi dây thừng để làm giây kéo gầu múc nước từ giếng lên. Nếu khéo tay hơn, những bao cát có thể được biến thành những chiếc áo khoác rất… thời trang!

Mỗi lần được ra phi trường L19 ‘lao động’ chúng tôi cũng không quên săn nhặt những mảnh nhôm còn sót lại trên xác trực thăng để tha về đội. Vào những ngày cuối tuần, nghỉ lao động, là những giờ phút lao động ‘tự biên, tự diễn’. Chỗ này làm lược, chỗ kia làm vòng. Những vật dụng đó không xuất phát từ nhu cầu hàng ngày trong trại cải tạo mà lại là những kỷ vật dành cho người thân để kỷ niệm một thời cải tạo.

Chiếc vòng được chế biến từ vỏ đạn

Chỉ cần trong đội có một người giỏi nghề sẽ hướng dẫn cho những người còn lại cách ‘xủi’ những hoa văn trên chiếc lược hoặc chiếc vòng nhôm là có một vật kỷ niệm từ trại cải tạo… Bạn cũng có thể học nghề ‘gò’ những tấm tôn cũ thành nồi nấu ăn, thùng đựng nước hoặc gàu múc nước. Rất nhiều thứ có thể học trong trại cải tạo, trừ một thứ là các bài học chính trị… 

Cho tới giờ này tôi còn giữ được hai kỷ vật từ trại cải tạo: chiếc vòng đeo tay và chiếc lược bằng nhôm. Trên chiếc vòng tôi ‘xủi’ tên hai vợ chồng và 4 đứa con, trên chiếc lược là hình hoa văn với hai chữ CG. Vòng và lược hiện nay 2 đứa cháu ngoại ‘xí’ phần, chúng gọi đó là những kỷ vật ‘may mắn’ được ông ngoại đem về từ trại cải tạo. Vật may mắn đó nay đã truyền sang thế hệ thứ ba để nhắc lại thời kỳ đau khổ trong một giai đoạn lịch sử của đất nước.  

Chiếc lược nhôm với những nét ‘xủi’ học được trong trại cải tạo

Tôi đã học viết chữ Hán từ một anh bạn người Việt gốc Hoa. Giấy viết là bất kỳ một mảnh nào có thể dùng như giấy hoặc dùng que tập viết lên mền đất, thứ bảng viết vô tận mà thiên nhiên đã ưu ái dành cho những kẻ hiếu học từ ngàn xưa. Nếu viết trên giấy bằng que thì mực là thuốc đỏ pha loãng, trông không kém gì mực Tàu.

Tôi cũng dành thì giờ để dậy Anh văn cho những người muốn học. Không có giáo trình nên cứ dậy tùy theo hứng của thầy nhưng vẫn đủ các môn như từ vựng, ngữ pháp và cả đàm thoại. Hai năm rưỡi trong trại cải tạo và 9 tháng trong ‘lò bát quái’ Chí Hòa tôi có rất nhiều học trò, giờ thì một số đã định cư tại nước ngoài, trình độ tiếng Anh của họ chắc đã qua mặt thầy…

***

Thời gian cải tạo là một cực hình đối với những kẻ ghiền thuốc. Đã có những cảnh ‘bắt dế’ khi mới bước vào những ngày đầu cải tạo. Khi thuốc mang theo đủ hút cho 10 ngày cạn dần mà vẫn chưa thấy ngày về, kẻ hết thuốc bắt đầu khi tìm ‘dế’ là những mẩu thuốc cuối người ta thường vất đi.

‘Bắt dế’ tức là đi gom mẩu thuốc bỏ đi, gỡ phần sợi thuốc còn sót lại để quấn thành một điếu mới. Phần còn sót lại luôn luôn chứa nhiều nicotine nhất và cũng là phần nguy hiểm cho sức khỏe nhất nhưng lúc ghiền thì đâu xá gì ung thư phổi.

Khi không còn dế để bắt, người ta lấy lá khoai mì xắt mỏng như sợi thuốc, xin một tý nước đen ngòm trong ống điếu thuốc lào trộn vào với lá khoai mì sẽ có một thứ sản phẩm trông giống y như sợi thuốc lá. Hút lá khoai mì sẽ bị ho nhưng lúc đã quen rồi thì những cơn ho sù sụ cũng biến mất…

Tôi cũng là người nghiện thuốc nhưng chưa bao giờ hút thuốc lào, có thể vì thành kiến với loại thuốc này nên có lúc dù thèm thuốc lá nhưng chưa bao giờ thử ‘phê’ thuốc lào. Theo Đào Duy Anh, cây thuốc lào có lẽ từ Lào (Ai Lao) du nhập vào Việt Nam nên mới có tên gọi như thế. Sách Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn và Đồng Khánh dư địa chí gọi cây thuốc lào là tương tư thảo, cỏ tương tư.

Hút thuốc lào phải dùng điếu cầy là một ống tre, sang trọng hơn thì dùng điếu bát với một ống nhỏ bằng trúc để hút khói được gọi là xe điếu. Trong cải tạo thì chỉ có loại điếu cầy làm từ ống tre nhưng nhiều khi ‘vã’ quá, người ta có thể dùng lá chuối hoặc giấy cuộn lại, miệng ngậm một ngụm nước là có thể ‘phê’ ngay. Phê đến độ có ‘anh nuôi’ ngồi trước chảo nấu cơm, hút một ‘bi’ thuốc xong rồi cứ thế đâm đầu vào bếp lửa trong cơn say thuốc.

Thầy đồ hút thuốc lào ngày xưa

Trong cải tạo có anh đề cao thuốc lào là “Thơm mồm, bổ phổi, diệt trùng lao!” hoặc nâng lên hàng ‘quan điểm’ “Hút thuốc lào nâng cao sĩ diện”. Người ta, dĩ nhiên là người miền Bắc, ca tụng thuốc lào một cách cuồng nhiệt:

Thuốc lào chồng hút vợ say
Thằng cu châm điếu lăn quay ra nhà
Có cô hàng xóm đi qua
Hít phải hơi thuốc say ba bốn ngày 

Một thằng hút bốn thằng say
Hai thằng châm điếu ngã lăn quay
Bà già vác củi loay hoay
Rít phải hơi thuốc lăn quay xuống đồi
Ngọc hoàng thấy vậy hay hay
Vén mây nhìn xuống cũng say thuốc lào. 

Bà Hồ Xuân Hương có một bài thơ ‘tả chân’ rất  ‘sex’ như sau:

Mông tròn vành vạnh, đít bảnh bao,
Mân mân, mó mó đút ngay vào
Thủy hỏa tương giao sôi sùng sục
Âm dương nhị khí sướng làm sao!

Mới đọc cứ tưởng như cảnh làm tình của đôi trai gái nhưng thật ra bà tả cảnh… hút thuốc lào đấy! Trong trại tù thì chiếc điếu cầy là hình ảnh quen thuộc lúc nào cũng đi sát với người cải tạo như vũ khí bên mình, chẳng thế mà có nhiều anh ví von là đeo Bazôka!

Đến giai đoạn trại viên cải tạo được đăng ký mua hàng ngoài chợ Long Hoa thì ‘thuốc rê’ là món ăn khách không thua gì đường tán. Thuốc rê còn có tên gọi là ‘bốc lăn xe’, nghe có vẻ Tây lắm nhưng kỳ thực ghép bởi các động tác bốc một dúm thuốc, lăn tròn trên giấy và xe thành điếu thuốc! Nhà văn Hoàng Hải Thủy gọi thuốc rê thời này với một cái tên thật buồn cười: “Bốc En Xe Ông Già Le Lưỡi Liếm”.

Hút thuốc rê có lợi là có thể tiết kiệm thuốc nếu quấn theo kiểu ‘loa kèn’ tựa như các mệ ngoài Huế hút thuốc cẩm lệ. Giấy cuốn thuốc rê có thể là báo cũ, mực in khi bị đốt cháy chắc sinh nhiều phản ứng hóa học khiến người hút cứ bị ho triền miên.

Sướng nhất có lẽ là những anh… không hút thuốc. Vào những ngày ‘nễ nớn’ ngoài việc được ‘ngã qua hàng thịt’, cách mạng còn phát thuốc gói, ba bốn anh chia nhau một gói thuốc. Tôi nhớ hình như thuốc Hoa Mai hay Đà Lạt gì đó. Vào thời đó, thuốc Tam Đảo, sản xuất tại miền Bắc, được coi là… số một.

Đây là ‘thời cơ’ để những anh không hút thuốc đổi thuốc lấy đường tán, thậm chí còn có anh đầu cơ thuốc lá để một khi anh ghiền hết thuốc mới ra giá… cắt cổ! Đường tán là loại đường màu vàng, có hình oval hoặc hình vuông được chế biến từ mía bằng phương pháp thủ công. Công dụng của đường, dù là loại đường sơ chế, có tác dụng giúp cơ thể phục hồi sau những giờ lao động cật lực. Có đi cải tạo mới thấy giá trị của cục đường mà hồi xưa, lúc quá đầy đủ, người ta chưa bao giờ nghĩ tới.

Nói thêm về chuyện ‘ăn uống’ trong cải tạo. Những người có ‘tinh thần ăn uống’ thường gặp nhau trong những bữa tiệc ‘hàm thụ’! Bạn tha hồ kể lại những món ngon, vật lạ mà trước đây đã từng thưởng thức… Nào là món vịt quay Bắc Kinh béo ngậy với lớp da giòn tan… tô bún bò với miếng giò heo ninh nhừ cay sặc mùi ớt… miếng phá lấu thơm lừng mùi húng lìu… đĩa gỏi đu đủ, gan cháy chỉ mới nghĩ đến thôi mà sao nước miếng cứ tiết ra ào ào…

Thời thế tạo anh hùng. Có anh với bộ nhớ tốt, cứ tối đến là mọi người tụ tập để nghe anh kể chuyện. Toàn truyện Kim Dung, từ Cô gái đồ long, Anh hùng xạ điêu cho đến Thiên long bát bộ, Lộc đỉnh ký … Người nghe im phăng phắc để đầu óc có dịp phiêu lưu về một thế giới hư ảo. Trả công cho người kể chuyện là cục đường tán, ly nước chùm bao… Hôm nào người kể chuyện ‘khó ở’ hay chưa nhớ đủ tình tiết của truyện thì được thông báo: Truyện từ Hồng Kông chưa qua kịp vì lỡ chuyến bay!

Có những đêm văn nghệ ‘bỏ túi’. Những ‘giọng hát vàng’ (dĩ nhiên là hát nhạc vàng), được phụ họa bằng cây guitar ‘cải tạo’ nhưng cũng đủ 6 giây lại còn có tay gõ muỗng giữ nhịp. Có những anh trước đây là nhạc sĩ, nhạc công đã tận tình phục vụ anh em để quên đi những thực tế phũ phàng trong chuỗi ngày cải tạo. Xin cám ơn các anh.

***

Từ Trảng Lớn, chúng tôi được lệnh chuyển trại lên Đồng Ban. Lên Đồng Ban mới là lao động thật sự nhưng nói chung mọi người đều ‘hồ hởi’ vì có lao động mới hy vọng ngày về. Trước tiên là vào rừng đốn cây, chặt lá về làm lán trại rồi phá đất hoang trồng khoai mì. Tại Đồng Ban vẫn còn dấu tích những căn nhà lá bỏ hoang của những người đi kinh tế mới sống không nổi nên bỏ lại để về thành phố.

Cuộc đời chúng tôi hình như gắn liền với trảng: hết Trảng Lớn rồi đến Trảng Táo. Ở Trảng Táo có đường xe lửa chạy đến ga Gia Huynh. Những lúc đi lao động dọc theo đường rầy xe lửa, hành khách trên tàu chợ, thường là các bà đi buôn, nên đôi khi họ ném xuống đường đồ ăn, khi thì vài cục đường tán khi thì gói thuốc rê cho những người cải tạo. Thật cảm động. Xe lửa chạy nhanh nên người cho và người nhận chẳng thấy mặt nhau, chỉ đơn thuần là tình người giúp nhau trong hoàn cảnh… lá nát đùm lá rách. 

Dù sao đi nữa, chúng tôi thấy mình vẫn còn may mắn được sống trong sự đùm bọc ở miền Nam nếu so với những bạn bè học tập tại miền Bắc. Họ chịu đựng nhiều gian khổ gấp trăm ngàn lần so với chúng tôi và nhất là chịu sự lạnh nhạt của những người xung quanh. Vào thời điểm đó, ảnh hưởng của tuyên truyền về Mỹ-Ngụy vẫn còn sâu đậm trong suy nghĩ của người miền Bắc. Sự thật là như vậy và không có điều gì để chê trách họ. 

"Bằng tốt nghiệp" cải tạo 

Tôi nghĩ, cuộc đời thăng trầm tựa như chuyện Tái Ông Thất Mã. Rủi may, may rủi – họa phúc khôn lường. Hóa ra đời chỉ là một chuỗi diễn biến đan xen lẫn nhau giữa buồn-vui, vinh-nhục, thắng-bại tựa như những đợt sóng xô đuổi nhau vỗ vào bờ…

Chuyện xưa kể rằng có ông lão họ Tái bị mất ngựa, hàng xóm thấy vậy đến chia buồn, ông lão đáp: “Mất ngựa chưa chắc đã là chuyện buồn!’. Quả nhiên, ít lâu sau con ngựa bị mất trở về, lại dẫn thêm ngựa con. Hàng xóm thấy vậy đến chia vui, ông lão lại đáp: “Được ngựa chưa chắc là chuyện vui!”. Người con ham cưỡi ngựa mới nên bị té gãy chân, hàng xóm lại đến chia buồn. Ông lão nói: “Chưa chắc té gãy chân là chuyện xui xẻo!”. Quả nhiên, lúc đó làng bắt lính nhưng vì gãy chân nên đứa con ông lão họ Tái khỏi phải đi lính…

Cuộc đời cũng giống như chuyện ông già mất ngựa. Những người vượt biên trước khi được sung sướng đến bến bờ tự do cũng đã phải trải qua quá nhiều gian nan, khổ ải… Những người ở lại có cuộc sống cùng cực nhưng rồi tình hình thay đổi, họ cũng cố tìm trước mắt một tương lai để hy vọng. Buồn-vui, may-rủi cứ thay nhau đến rồi đi.

Hàn Tín xưa kia là anh đánhnghèo hèn đến độ phải lòn trôn gã bán thịt giữa chợ. Thế mà sau này lại là một danh tướng trong thời Hán Sở tranh hùng, có công rất lớn trong việc giúp Lưu Bang đánh bại Hạng Vũ lập nên nhà Hán kéo dài suốt 400 năm. Xét cho cùng, cuộc đời ‘lên voi xuống chó’ của Hàn Tín bao gồm những nỗi nhục-vinh, họa-phúc khôn lường của một anh đánh cá hạ cấp đến vai trò của một danh tướng với những chiến thuật, chiến lược dương đông kích tây, minh tu sạn đạo…

Cuộc đời vinh quang tột đỉnh của một Hàn Tín, vị danh tướng bách chiến bách thắng, lại kết thúc bằng một cái chết oan ức bởi chính tay Lưu Bang càng làm rõ thêm những tinh túy của truyện Tái Ông Thất Mã.

Không có gì là tuyệt đối trong cuộc đời này. 

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire