jeudi 17 avril 2014

Những Thân Cò Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa

Những Thân Cò Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa
Hạt sương khuya
Mỗi khi tháng Tư về..lòng tôi lại dâng lên một nỗi buồn khôn tả. Ngồi ôn lại từng trang sử, nghe nỗi đau chạy dài trong huyết quản làm tim thổn thức. Chỉ còn ít ngày nữa sẽ bước vào  mùa Tháng Tư Đen. 39 năm hơn nửa đời người, có nhiều cái dường như không còn tồn tại trong miền ký ức, nhưng có một nỗi đau cho dù muốn quên cũng không thể nào. Nỗi đau ấy quá lớn, lớn đến độ tưởng chừng như không còn nỗi đau nào lớn hơn. Chiến tranh đã kết thúc, một kết thúc đau thương oan nghiệt đè nặng trên Quê Hương để bắt đầu cho một cuộc chiến mới, tàn khốc hơn, ác liệt hơn.

Đêm đã khuya…nhiệt độ ngoài trời xuống thật thấp. Khoác vội chiếc áo choàng bước ra bên ngoài để tìm chút cái lạnh se của một ngày cuối đông. Bầu trời đêm nay thật trống vắng, xa xa…một vài vì sao lác đác trên vòm trời được bao phủ dưới lớp sương mù trông lạnh lùng cô đơn quá. Nhìn những vì sao cô đơn ấy, lòng tôi nặng trĩu một gánh buồn.

Đời con gái ai cũng có một thời để mơ, để mộng. Nhưng chiến tranh quá tàn nhẫn, những viên đạn, những mảnh pháo vô tình đã cướp đi tất cả những ước mơ của một thời hoa mộng.    «Anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về dang dở đời em». Sự dang dở của người góa phụ đến một lúc nào đó rồi sẽ nguôi ngoai, chẳng ai khắt khe với một người góa phụ khi còn ở tuổi đôi mươi. Nhưng cái dang dở của  người con gái trong màu áo thiên thanh hay tà áo tím, khi biết mình sẽ không còn được dìu trên đôi chân lả lướt mà chỉ còn nghe những âm vang của tiếng gỗ vọng về. Đó chẳng phải là điều bất hạnh sao ?

Người Vợ Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa…


 Họ là những người đã theo chồng đi khắp bốn vùng chiến thuật, cũng ăn gạo sấy của Quân Tiếp Vụ, sống hồn nhiên trong manh áo rách của chiến tranh, gánh chịu tất cả những tang thương của thời hậu chiến, cũng quỳ bên giáo đường cầu nguyện xin bình an cho người ngoài biên cương. Nhưng chiến tranh mà, bom đạn có bao giờ vị tình ai bao giờ. Rồi một ngày anh trở về với một thân thể không nguyên vẹn, và em…người vợ bé bỏng ấy không còn nhìn ra vóc dáng của người thương, nàng ngã quỵ, chàng chua xót. Nhưng không…định mệnh đã không chấm dứt ở đấy…nàng với tấm lòng sắt son chung thủy, vẫn mong được cùng chàng đi hết đoạn đường trần. Nhưng làm sao ai biết…định mệnh đã an bài cho số phận của những người con dân miền Nam, phải làm người thua cuộc khi viên đạn vẫn còn chưa rời tay súng.
Chàng trở về khi vết thương trên da thịt còn đang rỉ máu, nàng với một cái tên mới nghe rất lạ… « Vợ của ngụy quân ngụy quyền ». Nước mất, nhà tan. Thành phố này đã thay tên đổi họ, Sài Gòn giờ chỉ còn…. cúi mặt…xa nhau.

Vùng Kinh Tế Mới

Để thực hiện chính sách «chuyên chính vô sản», những con người rừng rú ấy đã «giải phóng» tất cả những con dân của miền Nam, đưa đến vùng «đất hứa» để được chết âm thầm không cần tốn một viên đạn. Trong số những con người khốn cùng ấy, phần đông là những Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa và những người vợ «ngụy quân, ngụy quyền». Sau khi «giải phóng» con người, cộng sản Bắc Việt cũng không quên «giải phóng» luôn cả xe hơi, ti vi, tủ lạnh, quạt máy…nói chung tất cả những gì made in Mỹ/Ngụy đều được «giải phóng» về vùng đất mà hạt muối mua cũng phải xếp hàng. Đó là số phận chung của người dân miền Nam, nhìn đâu cũng thấy cảnh nghèo đói, người dân thường còn khổ, huống gì những người Thương Binh. 





Từ đó số phận của những người vợ Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa lại càng khó khăn hơn. Từ một người thiếu nữ son trẻ, sống hồn nhiên làm người vợ lính, nay bỗng trở thành một người chủ trong gia đình, lo từ miếng cơm manh áo, bị đời khinh rẻ. Ngày bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, nhặt từng mảnh ve chai, làm thuê, quét đường, bán vé số, xin thức ăn thừa đem về nuôi sống chồng con. Có ai thấy những giọt nước mắt khi đêm về, nhìn thân thể chồng, nhìn con thơ dại…sống cảnh màn trời chiếu đất. Biết than cùng ai khi xung quanh mình tất cả cùng chung số phận, thời đại «gạo châu củi quế» làm gì có phần dành cho những kẻ «bần cùng» trong xã hội. Nhìn chồng, nhìn con thơ dại….thôi đành nuốt nhục ngửa tay xin, cho dù biết đó là những thức ăn thừa của kẻ cướp nhà, cướp của… đuổi mình đi lên chốn vùng thiêng nước độc để tự khai hoang như thời tiền sử, sống hay chết chẳng phải điều quan tâm của những con người mang danh đi «giải phóng». Nhưng họ đã vượt trên số phận, bất chấp mọi đe dọa, trở về chốn cũ sống ngoài căn nhà của mình…giết đi…giết hết đi…thân xác này không còn gì để mất. Và họ…những Người Vợ Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa, đã đứng thẳng người vươn lên từ nỗi nhục ấy. Thương ơi «Những Cánh Hoa Thời Loạn» đã một thời xõa tóc trên vai người lính  nghe yêu thương chạy dài trên nỗi nhớ…

Bờ tóc rối kiêu sa về thổn thức
Ta ngu ngơ ngồi nhắm cánh hoa nhài
Hương hoa người từ mấy độ không phai
Lòng bối rối nên giận tờ giấy trắng
Thơ ta chép chưa dài hay vẫn ngắn
Tối chưa đêm sao chim hót kia rồi
Ta nghe buồn dừng nặng trĩu trên môi
Nghe bâng khuâng nhớ nhung bờ tóc rối
Yêu biết mấy ươm tình em thành cội
Miếng đất nào dung dưỡng gốc si mê
Có em qua hong tóc lúc chiều về
Bờ tóc rối che vùng trời trước mặt…

Còn đâu nữa những đợi chờ để hạnh phúc được một lần khai sinh trên nỗi nhớ. Những «Cánh Hoa Thời Loạn» ấy, nay đã tàn phai trong cảnh đời nghiệt ngã, theo cùng vận nước điêu linh. Đôi tay giờ khô cằn sạm nắng cùng với đôi chân dẵm bước trên gai đời. Ánh mắt ấy giờ đăm chiêu nhìn vào khung trời xám đục… bụi phủ, nhện giăng chưa đủ tủi sao người.

Qua những buổi tâm tình trên đường dây điện thoại, dù chỉ trao đổi ngắn ngủi nhưng tôi có thể hình dung ra sự tận cùng của cái nhục, cái khổ mà các chị đã đeo mang gần bốn chục năm dài. Tôi sẽ nhớ mãi, yêu mãi những câu nói thật đơn sơ nhưng thắm đậm nghĩa tình….

« TS biết không, ảnh bị mù từ ngoài chiến trường Quảng Trị lúc đó con tôi nó còn nhỏ, thế thì ông bà già chồng đi ra ngoài đó để kiếm ảnh xong cái đưa ảnh về, thì cái ngày về bịnh viện Cộng Hòa đó, thì tôi còn nhớ như thế này nè. Bà già chồng với ông già chồng thì không nói ảnh mù luôn, chỉ nói ảnh bị thương thôi, khi mà tôi vô thì tôi thấy rất là bở ngỡ «giọng xúc động». Tôi đâu ghĩ rằng…ủa..chồng mình như thế này là bị mù hay sao, đó rồi mình cũng nghĩ, cũng vô tư vậy. Cái thì ảnh nói bây giờ ảnh trả tự do cho tôi, ảnh nói bây giờ thì cuộc đời của anh bác sĩ nói rằng là…anh sẽ hư mù suốt đời, thì bây giờ em còn trẻ anh trả tự do cho em, em cứ đi…giao con lại cho anh…cái…mình thì hỏi chứ mình là đàn bà Việt Nam mà mình ở với Cha với Mẹ từ nhỏ, mình có đạo Thiên Chúa nữa, rồi Cha Mẹ là dạy dỗ mình từ nhỏ rằng học Đạo học Hạnh, chớ không phải ớ… là khi mà mình ớ.. thương nhau lấy nhau mà khi tật nguyền rồi mình bỏ nhau. ( Trích đoạn tâm tình giữa người viết và một chị Vợ Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa qua điện thoại. ) Lúc lấy anh chị ấy chỉ 17 tuổi, gần hai năm sau anh bị thương vào năm 1973, chị hiện vẫn lo cho anh cùng hai đứa cháu nội của một người con đã chết vì tai nạn»

Đó là trường hợp của một anh Thương Binh bị mù…còn biết bao Thương Binh mà đôi tay, đôi chân đã gửi lại chiến trường năm xưa, hay những số phận nằm bán thân bất toại, thử hình dung trong hoàn cảnh nghiệt ngã đó thì số phận của những Người Vợ Thương Binh Việt Nam Cộng Hòa sẽ ra sao? Quả thật..bản thân tôi cũng không dễ chịu khi nghe các chị phải sống lại những giai đoạn đau đớn tuổi nhục, thời gian đã làm chai lì đi vết thương lòng mà nỗi đắng cay chỉ có những người sống trong nghịch cảnh đó mới thấu hiểu hết hai chữ «Đoạn Trường». Vì tôi mà các chị phải mở lại vết thương tâm hồn đã chôn kín trong vùng sâu ký ức. Có những tiếng khóc mà mắt vẫn khô, nhưng âm thanh trĩu nặng nỗi niềm uất hận, bằng tâm thức tôi đã nắm thật chặt đôi tay chị qua đường dây điện thoại để nói rằng…CHỊ THẬT VĨ ĐẠI. Nước mắt tôi đã ngập tràn.


Lòng tôi thật ray rức khi xem/nghe những buổi dạ tiệc vinh danh những người phụ nữ đã thành công trên bước đường sự nghiệp, những nữ đại gia có tiền bạc tỉ như Nguyễn Thị Liễu, Phạm Thị Diệu Hiền, Dương Thị Bạch Diệp, Yvonne Thúy Hoàng, hay những buổi lễ vinh danh hoa hậu phu nhân….v…v! Người Việt Nam sống trong môi trường xã hội chủ nghĩa (đa số) người ta chỉ đánh giá con người trên giá trị vật chất. Còn chúng ta….những người sống nơi hải ngoại này , trong đó có tôi…có bao giờ chúng ta nghĩ nên có một ngày dành cho những mảnh đời nghiệt ngã mà tôi nghĩ rằng, họ mới thật xứng đáng là những «Hoa Hậu» tiêu biểu cho nét đẹp của người phụ nữ Việt mà lịch sử Việt Nam cần có một trang để ghi lại những hy sinh, chịu thương chịu khó cho đến cuối đời cũng chỉ là những thân cò lặn lội bờ ao.

Cho dù bàn tay hay đôi chân của các chị có già nua bởi mưa nắng, thân xác có hao mòn cùng tháng năm, da nhăn, mắt quầng, tóc rối. Với tôi…các chị vẫn là hiện thân của những nét đẹp «Thuần Phong Mỹ Tục» còn sót lại rất ít trong truyền thống Văn Hóa của Dân Tộc Việt, mà bản thân tôi cũng có một thời «bỏ quên» để chạy theo một nền văn minh vật chất mà cứ tưởng đó là những gì giá trị nhất. Xin tri ân những Người Chị, những thân cò lặn lội bờ ao đã cho tôi một lần trở về cùng với Cội Nguồn, còn biết thế nào là Ngũ Thường-Tứ Đức để tôi còn biết nhìn lại mình xấu hổ với Tiền Nhân mà ăn năn sám hối. XIN TẠ TỘI CÙNG NÚI SÔNG.

Paris 5 giờ sáng ngày 28 tháng 3 năm 2014
Hạt sương khuya

1 commentaire:

  1. Nhìn bức ảnh trên sao tôi thấy giống như hìng ảnh vào năm 1972 chiến trận khốc liệt chúng tôi ngồi dưới giao thông hào chiến đấu với bọn khác máu Việt cộng bên cạnh những nguời vợ lính sẳn sàng cầm súng cùng chồng để chiến đấu với kẻ thù quốc cộng.

    RépondreSupprimer